Multimedia Đọc Báo in

Người tạo “thương hiệu” bắp nếp cây đa (Km 47)

15:32, 21/05/2010

Chị Hồ Thị Thu hiện đang sinh sống tại thôn 3, xã Ea Kly, huyện Krông Pak. Thoạt nhìn không ai nghĩ người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn và nụ cười thân thiện kia là người có công phát triển và tiêu thụ sản phẩm bắp nếp nổi tiếng khắp vùng, được mệnh danh là “bắp nếp cây đa Km 47”.

Nhắc đến Km 47 mọi người đều biết đến "chợ" cây đa nơi chuyên cung cấp cho thực khách qua đường những trái bắp nóng hổi, vừa dẻo vừa thơm ngon. Không ai nhớ khu chợ tự phát này xuất hiện từ bao giờ mà chỉ mang máng rằng, lúc tán của gốc đa phủ mát cả một vùng thì người dân địa phương, chủ yếu là đồng bào Êđê đã gùi những trái bơ, mãng cầu của mình ra đây để bán. Một thời gian sau, khi người Kinh đến, họ mang theo những trái bắp, cái nồi, ít củi khô, vài ba viên gạch kê lên làm bếp…Từ đó, nơi đây dần hình thành "chợ" bắp luộc giúp khách qua đường tạm no lòng, hoặc cũng có thể mua bắp sống về luộc cho cả nhà cùng thưởng thức.

Chị Thu (bên phải) cùng em gái chuẩn bị bắp để luộc.
Chị Thu (bên phải) cùng em gái chuẩn bị bắp để luộc.

Năm 2000 nhận thấy vùng đất nơi mình sinh sống có khả năng phát triển cây bắp nếp, không chỉ cung cấp cho "chợ" cây đa mà còn có thể bán cho các nơi khác, chị Thu đã bỏ công sức và thời gian tìm hiểu kỹ thuật canh tác, thâm canh loại cây ngắn ngày này (70 ngày cho thu hoạch), có thể trồng từ 2 đến 3 vụ/ năm, điều kiện chăm sóc ít tốn kém, mỗi vụ chỉ bón 2 lần phân, nguồn nước tưới chỉ cần sử dụng giếng sinh hoạt nên chi phí đầu tư thấp. Vì thế, chị quyết định huy động tất cả vốn liếng hiện có đầu tư cho một số hộ nông dân trồng loại cây này (mua giống, phân bón). Đến vụ thu hoạch chị cho người vào tận nơi thu mua, sau đó thông qua thương lái để tiêu thụ sản phẩm. Tuy hỗ trợ đầu tư vốn nhưng khi mua sản phẩm của người sản xuất chị không bao giờ ép giá mà còn thực hiện phương châm “thuận mua vừa bán”. Chính nhờ thế mà không lâu sau chị đã tạo được uy tín cho mình, và “thương hiệu” bắp nếp cây đa km 47 ra đời. Số gia đình mà chị hỗ trợ tăng dần, hiện lên đến 100 hộ ở các xã trong huyện như: Ea Kly, Vụ Bổn, Ea Phê….
Ông Phan Văn Linh (thôn 14, xã Krông Buk) cho biết, gia đình ông trước kia trồng rau, thu nhập bấp bênh không đủ trang trải cho cuộc sống, nhưng từ lúc chuyển sang trồng bắp nếp với sự giúp đỡ của chị Thu, kinh tế của ông đã ổn định hơn rất nhiều. Năm nay với 3 vụ bắp đã thu hoạch, ông Linh mua một chiếc xe máy phục vụ cho nhu cầu đi lại của mình.
Đến nay, sản phẩm bắp nếp Krông Pak không chỉ chiếm lĩnh thị trường địa phương mà còn mở rộng ra các huyện, thị: Buôn Hồ, Krông Ana, thậm chí đến các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên….
Mùa vụ này chị Thu đã phổ biến cho nông dân trồng giống bắp nếp râu trắng (cùi nhỏ, dẻo, ngọt, hạt trắng và đều). Hy vọng giống bắp mới sẽ chiếm lĩnh thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Kiều - Ái


Ý kiến bạn đọc