Multimedia Đọc Báo in

Những người con hiếu thảo

16:10, 21/05/2010

Nhiều năm qua, người dân phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột, vẫn thầm ngợi khen những tấm gương hiếu thảo của anh Kính và chị Vang như là những câu chuyện cổ tích về tình mẫu, phụ tử.

Ghé thăm gia đình anh Phan Trọng Kính (sinh năm 1969) trong căn nhà cấp bốn chật hẹp khi anh đang chuẩn bị bữa ăn cho người mẹ gần bảy năm bị liệt nằm một chỗ, khiến cuộc sống vốn không dư dả gì của anh giờ đây lại càng thêm khó khăn. Cụ Bằng (mẹ anh) sinh được 6 người con, anh Kính là út và cũng là con trai duy nhất của cụ. Các chị của anh đã có gia đình riêng, song cuộc sống khó khăn cũng chẳng giúp được gì, một tay anh Kính chăm sóc mẹ từ miếng ăn, giấc ngủ, bón từng thìa cháo đến thuốc men cho mẹ. Vợ anh dù bận luôn tay với công việc đồng áng, con nhỏ, cũng tranh thủ phụ giúp chồng tắm, giặt quần áo cho mẹ chồng. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào nghề làm bánh tráng của anh Kính, anh thức khuya dậy sớm tranh thủ mang bánh ra các chợ bán lẻ để kiếm thêm đồng lời nuôi 2 con ăn học. Gia cảnh dù khó khăn nhưng anh vẫn tìm cách vay mượn tiền đưa mẹ vào TP. Hồ Chí Minh chữa trị, do tuổi già sức yếu, bệnh của mẹ không thuyên giảm, anh lại đưa mẹ về nhà tự tay chăm sóc mới yên tâm. Trong căn phòng cụ Bằng nằm vẫn không hề có mùi khó chịu, chăn màn, quần áo rất sạch sẽ; mọi việc chăm sóc cụ đòi hỏi sự kiên trì, nhẹ nhàng, và phải có kinh nghiệm, bởi theo anh, đôi khi mẹ uống sữa, ăn cháo cũng bị sặc, hoặc có hôm trái gió trở trời, chỉ có anh mới biết cách xử lý. Anh tâm sự: chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm và cũng là niềm tự hào của đạo làm con. Ai còn cha, mẹ cũng nên giữ tròn chữ hiếu thì đó mới là niềm hạnh phúc lớn nhất.

Anh Phan Trọng Kính tận tình chăm sóc mẹ bị liệt.
Anh Phan Trọng Kính tận tình chăm sóc mẹ bị liệt.
Gần giống với hoàn cảnh gia đình anh Kính, chị Nguyễn Thị Vang cũng là tấm gương hiếu thảo được nhiều người ngưỡng mộ. Tuy đã ngoài 40 tuổi, chưa lập gia đình, lại mang trên mình bệnh tật bẩm sinh, nhưng chị không hề tự ty về điều đó, 14 năm qua, mẹ chị bị liệt nằm một chỗ, một tay chị Vang hằng ngày chăm sóc hết mọi việc từ tắm rửa, đến nâng cơm bón cháo, thuốc men cho mẹ. Cách đây 2 năm, đứa em trai út duy nhất chết vì tai nạn và cũng từ đó ông bố bắt đầu bị tâm thần, ngày thì lầm lì ngồi một góc nhà, đêm đến mở cửa chạy ra ngoài la hét, nhiều đêm chị phải nhờ đến hàng xóm mới đưa bố về được. Kinh tế của cả gia đình chỉ trông chờ vào vài sào cà phê mà chị là lao động duy nhất, tranh thủ mỗi lúc bố không lên cơn, chị Vang đi ra rẫy chăm sóc cà phê, hay đi hái cà phê thuê cho người ta để lấy tiền thuốc thang cho bố mẹ, ra khỏi nhà chị lại nơm nớp lo bố mẹ ở nhà lỡ xảy ra chuyện gì thì ân hận cả đời. Chị nói, nhiều khi cũng cảm thấy vất vả nhưng rồi lại nghĩ mình vẫn may mắn hơn bao người khác là còn cha mẹ để phụng dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Vang đang chăm sóc người mẹ bị liệt đã 14 năm nay.
Chị Nguyễn Thị Vang đang chăm sóc người mẹ bị liệt đã 14 năm nay.
Suốt ngần ấy năm qua, chị Vang không bao giờ dám nghĩ đến hạnh phúc riêng dù cũng có nhiều người ngỏ lời với chị, ước mơ lớn nhất lúc này là mong cha, mẹ có thể kéo dài sự sống để chị còn tiếp tục phụng dưỡng, đền đáp công ơn sinh thành. Chị Vang tâm sự: “Biết thời gian của bố mẹ không còn dài, nhưng tôi vẫn mong có một phép màu giúp bố mẹ sống thêm vài năm nữa. Nhiều đêm, bệnh tật hành hạ, đau nhức, mẹ tôi không ngủ được, bố thì chạy ra đường không biết đi đâu, tôi rất xót xa, chỉ mong có thể gánh bớt phần nào những đau đớn của cha mẹ mình”.

Trước những tấm gương hiếu thảo ấy, đã có không ít người xúc động và ngợi khen. Cụ Nguyễn Văn Loan, Chi hội trưởng người cao tuổi khối I phường Khánh Xuân cho biết, đây là những gia đình văn hóa điển hình của phường, sẽ tiếp tục tuyên dương, khen thưởng để mọi người cùng học tập, gương hiếu thảo của họ.

 

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc