Chàng trai trẻ tạo nghề và việc làm cho nhiều lao động
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề mộc lâu năm, Nguyễn Ngọc Khánh ( thôn 1A, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) đã biết “đục, đẽo” ngay từ khi còn nhỏ và niềm đam mê đó lớn dần theo năm tháng. Tốt nghiệp trung học phổ thông, rồi đi bộ đội, đến năm 2003, sau khi rời khỏi quân ngũ, anh quyết định khăn gói ra Bắc Ninh học nghề mộc mỹ nghệ để tiếp tục phát triển sự nghiệp của cha ông. Gần 2 năm học nghề trên vùng đất nhiều nhân tài trong nghề mộc mỹ nghệ, anh Khánh đã phần nào học hỏi được những kiến thức bổ ích cho công việc của mình. Tuy đã học xong nghề, nhưng anh chưa dám mở xưởng mộc riêng, mà đi làm thuê cho người khác để lấy thêm kinh nghiệm. Đến năm 2007, anh Khánh mới đủ tự tin để tạo sự nghiệp cho mình và việc làm cho nhiều người lao động khác.
Xã Cư Ni là một địa phương còn nhiều khó khăn, đa số là những người nông dân nghèo, phần lớn trẻ em vì cuộc sống khó khăn phải nghỉ học giữa chừng. Do đó, vấn đề tạo việc làm cho người dân trong xã là một vấn đề bức thiết, bởi nếu không có việc làm ổn định tất yếu sẽ dẫn đến nảy sinh các tệ nạn xã hội từ các đối tượng không nghề nghiệp này. Nhận thức được thực trạng, anh Khánh đã quyết định mở xưởng mộc và sẵn sàng nhận tất cả những ai có nhu cầu học nghề. Những ngày đầu mới thành lập cơ sở, những khó khăn về vốn, máy móc và nguồn lao động lành nghề đã không làm anh chùn bước. Để đào tạo nghề cho các lao động này, anh Khánh không những không thu tiền học mà hằng tháng còn hỗ trợ chi phí ăn ở cho các học viên. Hiện tại, cơ sở mộc mỹ nghệ của anh Khánh có gần 20 lao động (chưa kể lao động thời vụ), trong đó phần lớn lao động được học nghề từ chính xưởng mộc của anh, họ được trả với mức lương bình quân khoảng 2 triệu đồng một người/tháng. Anh Nguyễn Văn Nam, một thanh niên trong xã được anh dạy nghề và tạo việc làm từ nhiều năm qua tâm sự: “Trước đây, do không có nghề nghiệp nên ai thuê gì thì tôi làm đó, nhưng từ khi được anh Khánh dạy nghề mộc và tạo công ăn việc làm ổn định mà gia đình tôi có nguồn thu nhập đều đặn và tôi không còn phải lo không có việc làm nữa”.
Anh Khánh (bên trái) kiểm tra chất lượng gỗ trước khi mua. |
Có thể nói, việc anh Khánh thu nhận nhiều lao động làm việc vừa tạo công ăn việc làm cho họ, vừa là cách để mở rộng sự nghiệp sau này. Vì phần lớn các lao động sau khi được học nghề, nếu không có nhu cầu đi làm ở các nơi khác thì đều làm việc ở xưởng mộc của anh. Điều đặc biệt, không chỉ nhận những người bình thường vào học việc, mà anh sẵn sàng nhận người tật nguyền vào dạy nghề để giúp họ kiếm thêm nguồn thu nhập. Với những người này, công việc của họ thường chỉ chùi giấy nhám, quét sơn lên sản phẩm,… Hiện tại, anh đang phối hợp với Trung tâm Khuyến công tỉnh mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. “Dự định lớp học sẽ chính thức khai giảng trong tháng 9 này với số lượng khoảng 30-40 em. Ngoài việc được học nghề miễn phí, các em còn được hỗ trợ tiền ăn hằng ngày. Sau khi học nghề, nếu các em có nhu cầu làm việc tại cơ sở hoặc mở xưởng mộc riêng thì tôi sẽ giúp đỡ và tạo điều kiện để các em phát triển nghề nghiệp của mình”, anh Khánh bày tỏ.
Không chỉ tạo nghề và việc làm cho nhiều lao động, anh Khánh còn là một thanh niên tiêu biểu, nhiệt tình trong công tác Đoàn ở địa phương. Sản phẩm mộc mỹ nghệ của anh nhiều lần tham dự các cuộc triển lãm lớn trong nước, anh đã được công nhận là nghệ nhân có “Bàn tay vàng”. Cũng trong thời gian này, anh đang bận rộn để chuẩn bị sản phẩm tham dự triển lãm trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội diễn ra vào tháng 10 tới. Từ đây, cơ sở mộc mỹ nghệ của Nguyễn Ngọc Khánh đã trở thành một địa chỉ đào tạo nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ý kiến bạn đọc