Multimedia Đọc Báo in

“Giáo sư của rừng”

17:07, 30/12/2011

Với ông, rừng là tất cả cuộc sống, là máu thịt, nên cuộc đời nghiên cứu và giảng dạy của ông đều dành trọn cho rừng. Ông đã đi hầu hết các vùng sinh thái trong cả nước, khắp Đông Nam Á, sang châu Âu, châu Mỹ…gặp gỡ từ nông dân, doanh nhân đến các giáo sư, với tâm huyết lớn nhất là giữ cho rừng luôn xanh. Nhiều người gọi ông bằng cái tên “Giáo sư của rừng”. Ông là PGS – TS Bảo Huy, Trưởng bộ môn Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, Khoa Nông lâm, ĐH Tây Nguyên.

Rừng phải gắn với lợi ích người dân
Theo PGS-TS Bảo Huy thì cách bảo vệ rừng bền vững nhất là phải gắn nó với trách nhiệm và lợi ích của cộng đồng tại chỗ, vì họ đã gắn bó với rừng, sống nương tựa vào rừng; lấy củi, kiếm cái ăn ngàn đời nay mà rừng vẫn xanh tươi. Đồng thời, khi đồng bào được hưởng lợi từ rừng thì họ sẽ có trách nhiệm hơn đối với rừng, không chặt phá rừng nữa. Từ suy nghĩ đó, ông dành nhiều thời gian nghiên cứu về việc phát triển lâm nghiệp cộng đồng, cụ thể là mối quan hệ giữa bảo vệ rừng và sinh kế cộng đồng. Dự án “Giao rừng cho cộng đồng” đã ra đời và được triển khai thực hiện tại các thôn, buôn của đồng bào Êđê, M’nông lần đầu tiên tại buôn Bu Nơr, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Dak Nông cách đây 10 năm. Ban đầu bà con không hưởng ứng vì sợ trách nhiệm; tuy nhiên, sau nhiều lần cùng ăn, cùng ở với đồng bào, giải thích một cách cụ thể cho bà con rằng: bên cạnh lợi ích từ rừng thì bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chính đồng bào. Từ đó, mọi người hiểu ra và cùng nhau thực hiện dự án. Đến nay, rừng ở đây được bảo vệ một cách ổn định, luôn xanh tươi, và đời sống của người dân thì ngày càng được cải thiện. Từ thành công bước đầu đó, dự án này được nhận rộng đến nhiều buôn làng của người Êđê, Gia Rai, M’nông, K’ho khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ông vui mừng vì có nhiều người dân được hưởng lợi từ rừng, từ những nghiên cứu nhọc nhằn không ngừng nghỉ của mình. Và đó cũng là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời ông.

Quan niệm sống của PGS – TS Bảo Huy như lời trong một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, theo ông, đó là tấm lòng với rừng, với con người. Chính vì vậy, ông đã dành cả cuộc đời mình cho những cánh rừng, truyền ngọn lửa tâm huyết và tình yêu đối với rừng cho các thế hệ sinh viên. Mỗi chuyến đi rừng đều đem đến cho ông những kỷ niệm vui. Như lần về buôn Hàng Năm, xã Yang Mao – Krông Bông nghiên cứu về khả năng hấp thụ CO2 của rừng, trong khi đang vui cùng ly rượu, vị già làng Êđê đã gọi người thầy đáng kính là “Già rừng”. Những điều đó là động lực thôi thúc ông không ngừng nghiên cứu, không ngừng…vào rừng.

PGS-TS Bảo Huy (bìa trái) trong chuyến điều tra khả năng hấp thụ CO2 của rừng tại Lâm Hà (Lâm Đồng).
PGS-TS Bảo Huy (bìa trái) trong chuyến điều tra khả năng hấp thụ CO2 của rừng tại Lâm Hà (Lâm Đồng).

Cho rừng Tây Nguyên mãi xanh
Bao nhiêu năm gắn bó, ăn ngủ khắp các cánh rừng, lặn lội tìm loài Vọoc trên đỉnh Cư Yang Sin hùng vĩ, hay lần theo dấu chân voi trên những cánh rừng khộp nắng cháy…, PGS – TS Bảo Huy hiểu rừng Tây Nguyên như chính cơ thể mình. Ông đau lòng trước tình cảnh rừng bị “chảy máu”, đàn voi và các loài thú quý hiếm ngày càng ít đi…Từ đó, ông tiếp tục suy nghĩ, trăn trở để tìm cách bảo vệ rừng bền vững. Bởi vì, rừng liên quan đến sinh kế của hàng vạn đồng bào, bảo vệ rừng là bảo vệ môi trường sống, giữ nước đầu nguồn, hạn chế lũ lụt, hạn hán. Theo ông, vấn đề sống còn của rừng Tây Nguyên hiện nay là phải có quy hoạch mang tính bền vững, tránh chuyển đổi bất hợp lý, phải xác định chủ rừng đủ năng lực; đặc biệt là cộng đồng tại chỗ để làm giàu rừng và sử dụng hợp lý nhằm cung cấp sản phẩm cho xã hội.

PGS – TS Bảo Huy chia sẻ: “Chuyển đổi rừng không hiệu quả không những làm khổ rừng mà khổ cả chính chúng ta. Một số dự án lớn đang “ngắc ngoải” là bài học về cách ứng xử đối với rừng”. Từ đó, ông nghiên cứu rất nhiều những loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Tây Nguyên, được người dân triển khai trồng trong thực tế, qua đó góp phần làm đa dạng sinh thái rừng và tạo thu nhập cho họ. Đặc biệt, ông đang thực nghiệm dự án làm giàu rừng khộp bằng cây tếch và triển vọng rất khả thi. Nếu điều này trở thành hiện thực, những cánh rừng nghèo ở Tây Nguyên sẽ được hồi sinh. Trước đó, ông cũng đã nghiên cứu và tư vấn cho Dự án bảo tồn thủy tùng, loài gỗ cực kỳ quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trong khi trò chuyện, PGS – TS Bảo Huy nhắc nhiều đến chuyện đàn voi ở Dak Lak với khuôn mặt rạng ngời đầy hy vọng. Bởi vì, ông đã dành hai năm trời nghiên cứu về voi để trực tiếp tham gia tư vấn cho UBND tỉnh lập Dự án bảo tồn voi và đã chính thức được triển khai với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng. Ông chia sẻ: “Tôi hy vọng dự án sẽ thành công nhằm phát triển đàn voi, để voi mãi là một phần không thể thiếu của núi rừng Tây Nguyên”.

 

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc