Multimedia Đọc Báo in

ĐÓN XUÂN NHỚ BÁC: LÀM THEO GƯƠNG NGƯỜI

19:14, 05/02/2011

Những người cựu chiến binh phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ trong sống và làm việc; thầy cô giáo lấy việc gieo chữ, trồng người là sự nghiệp mình theo đuổi, gắn bó; anh kỹ sư trẻ đam mê phát minh sáng tạo…  Niềm hạnh phúc, những việc làm vô cùng đáng quý như thế, giá trị hơn cả bài thuyết trình, giáo huấn suông về học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ. Đó cũng là những món quà xuân ý nghĩa nhất kính dâng, báo công lên Người mỗi mùa Xuân về…

Sáng tạo, linh hoạt trong học và làm theo gương Bác
Với những việc làm, hành động thiết thực, cụ thể trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những cá nhân, tập thể điển hình ở Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Krông Pak đã góp phần tô thắm thêm phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Nét mới và cũng là cách làm sáng tạo trong 4 năm thực hiện Cuộc vận động của Hội CCB huyện Krông Pak là ngoài việc tổ chức học tập đầy đủ các chuyên đề, các chi hội đã duy trì đều đặn việc đọc, kể chuyện và nghiên cứu tài liệu về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác trong các buổi họp, sinh hoạt thường kỳ. Từ đó, mỗi cán bộ, hội viên đã tự liên hệ, xác định những việc cần làm và đề ra phương hướng phấn đấu. Gắn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, chuyển biến lớn nhất trong Hội CCB huyện là phong trào thực hiện tiết kiệm, cán bộ, hội viên xung phong làm việc có ích đã góp phần tạo sức lan tỏa của CVĐ. Đến nay, trên 4.100 hội viên của 22 cơ sở Hội đã đăng ký thực hiện phong trào “Cần, kiệm vì đồng đội nghèo” dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như trồng rau xanh, nuôi gà, xây dựng quỹ tương trợ, tiết kiệm tiền ăn sáng… Từ những hoạt động thiết thực trên, đã có hàng trăm lượt hội viên nghèo được giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, với cách làm “tích tiểu thành đại”, Hội CCB huyện đã vận động cán bộ, hội viên đóng góp tiền, ngày công hỗ trợ xây dựng “Nhà đồng đội”, mang niềm vui đến cho 28 gia đình hội viên CCB nghèo. Học tập chuyên đề “Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”, mỗi cơ sở hội lại có cách làm sinh động, hiệu quả. Hội CCB các xã, thị trấn tổ chức các tổ bảo vệ tuần tra, giữ gìn trật tự thôn xóm, vận động nhân dân làm đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường chính để bảo đảm an ninh trật ban đêm. Ngoài ra, nhiều cơ sở hội còn phát động phong trào “Trồng cây xanh bảo vệ môi trường”. Điều đáng ghi nhận, không chỉ các tập thể có những việc làm thiết thực theo gương Bác mà nhiều hội viên cũng thực hiện tốt lời dạy “Mình vì mọi người” của Bác. Hội viên Nông Đức Tài, chi hội thôn Cao Bằng (xã Ea Knuêc) tự nguyện đầu tư 20 triệu đồng và vận động hội viên cùng nhau đóng góp thêm tiền, ngày công xây dựng cầu qua suối tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, sản xuất. Hội viên Nguyễn Đình Hòa (xã Krông Buk) mở công ty TNHH tạo việc làm cho trên 100 lao động là hội viên CCB và người dân địa phương. Bên cạnh đó, các hội viên có đời sống khá còn tự nguyện giúp đỡ hàng trăm triệu đồng tiền mặt và cây, con giống cho hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế.

"Nhà đồng đội" của gia đình ông Trần Chí Liêu (thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh, Krông Pak) do Hội CCB huyện hỗ trợ xây dựng.
"Nhà đồng đội" của gia đình ông Trần Chí Liêu (thôn Tân Quảng, xã Ea Kênh, Krông Pak) do Hội CCB huyện hỗ trợ xây dựng.


Cả xã treo ảnh, thờ Bác Hồ
Bác ở trong tim mỗi người. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ vị trí, vai trò và lĩnh vực công tác, học tập của mình, mỗi người có cách làm khác nhau. Với chị em phụ nữ ở xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông, từ trong tâm khảm tôn thờ, kính trọng Bác, họ đã chọn một cách làm đơn giản, thiết thực và mang đậm truyền thống văn hóa dân tộc, đó là làm “bàn thờ ảnh Bác”. Những người đầu tiên có ý tưởng và hiện thực hóa mô hình này là Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế của thôn 3.
Truyền thống dân tộc Việt Nam thờ cúng gia tiên, ông bà cha mẹ đã khuất. Bác Hồ là người được tôn kính nhất, được trân trọng nhất. Lập bàn thờ ảnh Bác vì vậy với các hội viên của Câu lạc bộ giúp nhau phát triển kinh tế ở thôn 3 là việc làm đương nhiên thể hiện tấm lòng yêu kính Bác, thấy Bác luôn hiện diện trong mỗi gia đình, như đang dõi theo từng việc làm của mỗi người để ai cũng có ý thức cố gắng vươn lên. Một mô hình, một cách làm lay động cõi sâu thẳm nhất trong tâm linh con người nên chỉ cần có ý tưởng và tổ chức phổ biến, phát động, phong trào đã được 30/30 hội viên trong Câu lạc bộ nhiệt tình hưởng ứng. Sức lan truyền của một việc làm mang ý nghĩa bản sắc dân tộc ấy đã đưa phong trào vượt khỏi phạm vi hạn hẹp ở một câu lạc bộ. Hiện 12/12 chi hội và 5 câu lạc bộ phụ nữ ở xã Khuê Ngọc Điền đều làm bàn thờ ảnh Bác. Tiếng tăm của một mô hình học tập và làm theo lời Bác ở xã vùng căn cứ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủng hộ và gửi hàng nghìn bức ảnh Bác Hồ tặng bà con trong xã. Có lẽ sẽ không ít người cho rằng đó chỉ là việc làm mang ý nghĩa hình thức nếu không được tận mắt chứng kiến những số tiền, những nắm gạo đầy nghĩa tình mà chị em gom góp dù cuộc sống còn nhiều chật vật để có được những “con heo đất”, những “hũ gạo tiết kiệm” hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn. Riêng phụ nữ thôn 3 còn có được một tủ sách về Bác Hồ, về những kiến thức bổ ích cho phụ nữ. Điều quan trọng là chị em coi tủ sách đó là một thư viện quý của mình mỗi khi cần tra cứu. Mỗi dịp tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, những cuốn sách về Bác được chị em đem ra đọc cho nhau nghe để thấm nhuần hơn lời dạy của Bác và cùng động viên nhau vươn lên nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, làm tròn thiên chức của người vợ, người mẹ. 

Những cuốn sách về Bác luôn được chị em Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) đọc cho nhau nghe trong các buổi sinh hoạt.
Những cuốn sách về Bác luôn được chị em Câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền (Krông Bông) đọc cho nhau nghe trong các buổi sinh hoạt.


Thắp sáng lên lời Bác dạy
Được biết đến là một trong những đơn vị điển hình của huyện Krông Pak thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, những năm qua, Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đã có nhiều cách làm sáng tạo, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên học sinh tự nguyện tham gia thực hiện cuộc vận động (CVĐ). Ở nơi đây, lời dạy của Bác luôn được thắp sáng trong lòng mỗi người.

Trò chuyện với thầy Phan Văn Vinh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường được biết, để từng bước đưa CVĐ trở thành cuộc sinh hoạt chính trị trong toàn cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, bên cạnh việc tổ chức học tập nội dung các chuyên đề về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhà trường còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức thi kể chuyện về Bác, cử đảng viên dự thi kể chuyện về Bác ở địa phương, lồng ghép nội dung của CVĐ vào sinh hoạt hội đồng sư phạm, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên và các chương trình sinh hoạt của Đoàn thanh niên, xây dựng tủ sách về Bác để giáo viên và học sinh tham khảo... Qua đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân viên, mỗi thầy cô giáo, học sinh trong toàn trường đã ý thức rõ hơn trách nhiệm của mình, thường xuyên trau dồi đạo đức cách mạng, làm theo tấm gương đạo đức của Bác, dù khó khăn đến đâu cũng thi đua dạy thật tốt, học thật tốt, đồng thời đổi mới phong cách, phương pháp giảng dạy, học tập và công tác phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường theo xu thế hội nhập hiện đại. Hơn nữa, trong một số tiết dạy như văn, sử, địa, giáo dục công dân của các giáo viên còn có sự gắn kết giữa nội dung bài giảng với việc liên hệ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc làm thiết thực này đã góp phần giáo dục đạo đức, ý thức và định hướng học tập và làm theo gương Bác trong toàn thể học sinh.

Nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, thời gian qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường luôn có những hành động làm theo gương Bác rất đáng khích lệ. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã tự giác, chủ động, quan tâm lo lắng công việc chung như chính việc riêng của cá nhân, gia đình mình; xây dựng tình đoàn kết, gắn bó giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn để vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; nêu cao lối sống gương mẫu, đề cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, nâng cao phẩm chất, năng lực và đạo đức của người thầy. Không những thế, học tập tấm gương của Bác về tình yêu thương con người và hiểu được ý nghĩa của lời dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”, cán bộ, giáo viên nhà trường còn luôn quan tâm chăm lo giáo dục cho học sinh để các em ngày càng hoàn thiện về “đức, trí, văn, thể, mỹ”. Bởi như lời cô Đỗ Thị Thu Hiền, giáo viên nhà trường thì: “Với người giáo viên, việc trau dồi kiến thức, đạo đức cho mình sao cho đáp ứng được nhiệm vụ đào tạo ra thế hệ tương lai của đất nước vừa có đức, vừa có tài, đó là hành động học tập và làm theo lời Bác thiết thực nhất…”. Và mỗi tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo của các thầy cô giáo đã trở thành động lực thúc đẩy để học sinh nâng cao ý thức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, hành vi ứng xử, tuân thủ nội quy của nhà trường và pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Nhờ vậy, rất nhiều phong trào, hoạt động đã được học sinh nhà trường khởi xướng và duy trì có hiệu quả như: dọn vệ sinh trường học, thực hành tiết kiệm, bảo vệ của công, xây dựng “công trình tự giác” chăm sóc cây xanh và cảnh quan của nhà trường…

Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đang tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương của Bác tại thư viện trường.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm đang tìm hiểu về tư tưởng, tấm gương của Bác tại thư viện trường.


Ông Nghi “đoàn kết”
Nguyên là cán bộ tăng cường từ tỉnh Hà Tây (cũ) vào Ea Súp từ năm 1977 để giúp bà con thực hiện “7 xóa” (Fulrô, du canh du cư, bệnh tật, nghèo đói, mù chữ, phong tục tập quán lạc hậu, mất đoàn kết), sau đó chuyển sang công tác tại Huyện ủy Ea Súp, đến năm 1993 nghỉ hưu nên ông Nguyễn Xuân Nghi, Bí thư Chi bộ thôn 4 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) đã có cả một khoảng thời gian dài gắn bó và rất am hiểu vùng đất Ea Súp này. Bởi vậy, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng năm 2001, khi tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, ông lại được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tin tưởng mời tham gia công tác phát động quần chúng ở 7 buôn của xã Krông Na (huyện Buôn Đôn) và 5 buôn trên địa bàn thị trấn Ea Súp. Để nắm bắt tâm tư, tình cảm của bà con, thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, ông đã tự mày mò, tìm hiểu và học được 4 thứ tiếng Êđê, M’nông, Gia Rai, Lào. Không những vậy, ông còn tự nguyện tham dự các buổi sinh hoạt tôn giáo, lễ cúng bến nước, mừng lúa mới, cúng voi… của đồng bào để hiểu họ và từ đó rút ra cách thức tuyên truyền. Thấy ông biết nói tiếng đồng bào, am hiểu phong tục của mình, bà con thích lắm, xem như người nhà nên không ngần ngại hỏi ý kiến việc lớn, việc nhỏ. Nhờ vậy, ông dễ dàng truyền đạt cho mọi người cách khai hoang, làm thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, xóa bỏ dần các phong tục, tập quán lạc hậu, biết cách ăn ở hợp vệ sinh. Chính việc hiểu dân và được người dân tin tưởng mà ông đã xây dựng được nhiều “vệ tinh” cung cấp các nguồn tin đáng tin cậy, giúp cơ quan công an bóc gỡ nhiều đầu mối, băng nhóm phản động.

Không chỉ làm tốt công tác phát động quần chúng mà với cương vị của một bí thư chi bộ, ông còn nỗ lực hết mình để xây dựng thôn phát triển về mọi mặt. Đó là việc ông cùng với các đảng viên đi đến một số địa phương học hỏi, tìm hiểu những mô hình sản xuất hiệu quả về áp dụng tại vườn nhà, khi thành công mới nhân rộng cho bà con làm theo; vận động người dân trong thôn đào mương dẫn nước từ hồ Ea Súp về phát triển nghề trồng rau, cây ăn quả, nuôi cá, tăng thêm thu nhập. Khi đời sống kinh tế ổn định, chi bộ và ban tự quản đã chủ trương vận động đảng viên, nhân dân đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông liên thôn, đường điện chiếu sáng; xây dựng quỹ khuyến học để kịp thời khen thưởng, động viên giúp đỡ học sinh hiếu học vượt khó. Nhờ vậy, đời sống kinh tế-xã hội thôn 4 không ngừng phát triển, toàn thôn chỉ còn 7 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chi bộ đảng luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh, thôn 4 đạt danh hiệu Thôn Văn hóa cấp huyện 5 năm liền.

Khi hỏi điều gì ông học được ở Bác Hồ để giúp ông làm tốt công việc của mình, ông không ngần ngại trả lời là chính sách đại đoàn kết dân tộc. Và muốn thực hiện được điều này theo ông phải bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất chứ không phải chỉ hô khẩu hiệu. Điều đó đã lý giải vì sao mặc dù không phải là người dân tộc thiểu số nhưng ông lại vinh dự được bà con tin tưởng cử đi tham dự Đại hội các dân tộc thiểu số của huyện Ea Súp và là một trong ba cá nhân điển hình của huyện được tham dự buổi giao lưu, tọa đàm gương tập thể, cá nhân điển hình làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Nghi, Bí thư Chi bộ thôn 4 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) luôn gần gũi với bà con.
Ông Nguyễn Xuân Nghi, Bí thư Chi bộ thôn 4 (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) luôn gần gũi với bà con.


Chàng kỹ sư trẻ và mục tiêu “3T”
Vừa đoạt giải Ba trong Cuộc thi “Các sản phẩm sáng tạo tỉnh Dak Lak năm 2010” với Mô hình xây dựng Chương trình đối soát cước viễn thông, song với kỹ sư trẻ Hồ Xuân Hoan, Tổ trưởng Tổ kỹ thuật công nghệ, Bưu điện tỉnh, giá trị to lớn mà mô hình này mang lại không phải là giải thưởng mà là việc nó được ứng dụng vào thực tiễn, đáp ứng được mục tiêu 3T - tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian tác nghiệp và tăng độ chính xác - do chính anh đặt ra trước khi bắt tay thực hiện mô hình.

Chương trình đối soát cước viễn thông ra đời đã thay thế cho cách làm thủ công được áp dụng trước đó của đơn vị. Chương trình này ngoài việc tiết kiệm được nhân công (khoảng 460 ngày công/năm) còn có những ưu điểm vượt trội so với cách làm thủ công, đó là: không phải tác nghiệp nhiều, độ chính xác cao và theo dõi mức độ tăng giảm khách hàng sử dụng dịch vụ dễ hơn. Được biết, trước khi thực hiện Chương trình đối soát cước viễn thông, chàng kỹ sư trẻ này đã thực hiện được nhiều mô hình có giá trị thực tiễn cao đối với các hoạt động nghiệp vụ của đơn vị như phần mềm chuyển tiền, bưu phẩm, bưu kiện, EMS, phát hành báo chí phục vụ cho các điểm giao dịch (năm 2003); chương trình truyền dẫn file truyền báo (năm 2004); phần mềm “xây dựng mạng báo cáo của Bưu điện tỉnh” (năm 2008)… Tất cả các chương trình, phần mềm anh thực hiện đều có điểm chung là đáp ứng được nhu cầu của đơn vị và thể hiện được mục tiêu 3T ở trên. Anh thổ lộ: “Công tác ở một đơn vị kinh doanh nên chúng tôi luôn ý thức được việc học tập thực hành tiết kiệm theo gương Bác là rất cần thiết và có ý nghĩa. Chính vì vậy, ngoài việc tiết kiệm điện, nước, điện thoại và văn phòng phẩm, Tổ kỹ thuật công nghệ chúng tôi luôn cố gắng viết các đề tài sát với thực tiễn để giúp đơn vị giảm thiểu công tác tác nghiệp, giảm thiểu chi phí đến mức tối đa có thể, bởi làm kinh doanh mà không thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì không thể thành công được. Tôi nghĩ, học và làm theo tấm gương của Bác thiết thực nhất là biết áp dụng tư tưởng của Người ngay trên lĩnh vực, công việc mình đang làm…”. Hiện tại, anh đang ấp ủ đề tài “Xây dựng hệ thống quản lý khách hàng”. Đây cũng là một đề tài nằm trong chuỗi đề tài 3T của anh, dự kiến khi hoàn thành và áp dụng vào thực tiễn, chương trình này sẽ giúp cho công tác chăm sóc khách hàng sử dụng dịch vụ của Bưu điện tỉnh được thực hiện tốt hơn.

Kỹ sư Hồ Xuân Hoan (bìa phải) đang trao đổi công việc với các thành viên trong tổ.
Kỹ sư Hồ Xuân Hoan (bìa phải) đang trao đổi công việc với các thành viên trong tổ.

Đàm Xuân Oanh


Ý kiến bạn đọc