Multimedia Đọc Báo in

Những gương mặt trẻ tài năng

09:41, 09/02/2011

Đó là những người còn rất trẻ nhưng đã gặt hái được nhiều thành tích đáng nể trong học tập, nghiên cứu khoa học, văn học nghệ thuật, thể thao. Và dù đang công tác ở trong tỉnh,  ngoài tỉnh hay học tập ở nước ngoài, họ luôn thiết tha mong muốn được cống hiến, góp sức xây dựng quê hương…

Ra đi là để trở về…

Nguyễn Thanh Tùng
Nguyễn Thanh Tùng
Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường THPT chuyên Nguyễn Du, chàng trai cựu học sinh chuyên Toán Nguyễn Thanh Tùng trở thành sinh viên chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp thuộc chuyên ngành Hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh. Say mê nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực cơ khí và hàng không, tốt nghiệp đại học, chàng trai trẻ này đã viết email liên lạc với các giáo sư ở Hàn Quốc, những người có đề tài nghiên cứu mà mình quan tâm, bày tỏ mong muốn được làm trợ lý nghiên cứu cho họ. Thành tích học tập của Tùng đã gây ấn tượng để được nhận học bổng làm thạc sĩ tại khoa Hàng không, trường Đại học Konkuk ở Seoul, Hàn Quốc. Chỉ sau một năm học tập tại Hàn Quốc (năm 2006), Tùng là một trong số ít những sinh viên nước ngoài được tặng bằng khen và trao học bổng của Quỹ Khoa học Seoul (thường chỉ dành cho sinh viên Hàn Quốc) dành cho người có thành tích học tập xuất sắc và đề án nghiên cứu có triển vọng. Cũng trong năm 2006, Tùng tham gia Hội thảo quốc tế về cấu trúc và kỹ thuật tương thích (ICAST) lần thứ 17 tại Đài Loan. Bài báo viết về thiết kế bơm siêu nhỏ (IPMC micropump) ứng dụng để truyền thuốc và máu trong y học - bơm siêu nhỏ đầu tiên sử dụng IPMC actuator được thiết kế thành công - đã được đánh giá xuất sắc tại hội thảo. Bảo vệ thành công luận án thạc sĩ, Tùng tiếp tục nhận học bổng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại khoa Cơ khí, trường Đại học Binghamton, bang New York (Mỹ). Vấn đề nghiên cứu mà Tùng quan tâm là về quản lý nhiệt và độ bền của mạch điện tử trong điện thoại di động, máy vi tính, laptop, máy chơi game. Và hiện chàng trai trẻ 29 tuổi này cũng đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài “Cải thiện thiết kế mạch bán dẫn siêu nhỏ nhằm tăng độ bền cho các thiết bị điện tử”.

Được hỏi liệu có dự định về Việt Nam làm việc trong khi lĩnh vực mà Tùng theo đuổi nghiên cứu còn mới mẻ và chưa có nhiều đất dụng võ tại quê nhà, Tùng khẳng định: “Sẽ về chứ. Không chỉ riêng tôi, rất nhiều du học sinh đều thiết tha được góp sức xây dựng quê hương. Ra đi là để trở về mà. Tôi rất vui bởi vừa qua Tập đoàn Intel chính thức khai trương nhà máy lắp ráp và kiểm định chip tại Việt Nam. Đây chính là lĩnh vực mà tôi đang nghiên cứu, nghĩa là cơ hội về nước làm việc đã mở rộng. Tuy nhiên, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, tôi dự định sẽ làm việc vài năm tại Mỹ để trau đồi thêm kinh nghiệm trước khi về nước”.

Giải thưởng Nhân tài đất Việt và hành trình sáng tạo của chàng kỹ sư trẻ
Tại lễ trao giải Nhân tài đất Việt 2010 diễn ra vào trung tuần tháng 11 ở Hà Nội, một kỹ sư trẻ đến từ Dak Lak đã được vinh danh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) với giải Khuyến khích cho sản phẩm “Xây dựng bộ gõ dân tộc Việt và ứng dụng bộ gõ thiết kế đa từ điển một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên” (VnKey and TN Dict). Đó là anh Trần Thanh Bình, Trưởng phòng CNTT, Công ty Cao su Dak Lak.

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Toán Tin tại Đại học Huế, anh Trần Thanh Bình trở thành giảng viên khoa Tin trường Cao đẳng nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên. Đam mê lập trình và say mê sáng tạo, anh từng viết một số phần mềm đã được ứng dụng trong thực tế như: mô hình dạy học lắp ráp máy tính bằng phần mềm (đoạt giải Nhất trong cuộc thi thiết bị dạy nghề tự làm năm 2005), hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện (ứng dụng tại Bệnh viện Đại học Tây Nguyên và một số cơ sở y tế khác), hệ thống quản lý điện (được ứng dụng tại 15 hợp tác xã điện trên toàn tỉnh)… Khi giảng dạy học sinh dân tộc thiểu số, anh đã nảy ra ý tưởng viết một phần mềm có thể soạn giáo án bằng ngôn ngữ dân tộc. Ý tưởng đó càng thúc bách hơn trong những chuyến đi dạy nghề lưu động tại các huyện trong tỉnh, anh nhận thấy hầu hết các nhân viên hành chính xã đều gặp khó khăn trong đánh máy tên tuổi, địa chỉ của người dân tộc thiểu số khi quản lý hộ khẩu hộ tịch, làm giấy khai sinh, báo tử… Suốt mấy năm liền “tiền lương chỉ đủ để mua sách nghiên cứu”, anh Bình tranh thủ những giờ rảnh để lập trình bộ gõ VnKey và đến năm 2007 đã “trình làng” phiên bản đầu tiên của bộ gõ này. Với tính năng dễ sử dụng, có thể giúp soạn thảo văn bản của 12 ngôn ngữ dân tộc như: Êđê, J’rai, Bana, M’Nông, K’Ho, Sán chỉ, hỗ trợ gõ 3 bảng mã tiếng Việt thông dụng là Unicode, TCVN3 và VNI-Win, bộ gõ VnKey đã được nhiều người sử dụng và đánh giá cao sau khi được giới thiệu trên các website, diễn đàn và được tác giả gửi tặng miễn phí. Sản phẩm đã đoạt giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh năm 2008 và được Sở KHCN hỗ trợ đăng ký quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Sau những lần hoàn thiện, đến nay bộ gõ VnKey phiên bản 2010 đã có thể chạy trên tất cả các thế hệ Windows (kể cả Windows Vista và Windows 7 bản 32 bit và 64 bit); dung lượng chỉ có 1,2Mb (bao gồm cả phần trợ giúp, nhỏ hơn dung lượng một chiếc đĩa mềm).

“Thừa thắng xông lên”, sau khi hoàn thành bộ gõ VnKey, Trần Thanh Bình tiếp tục bắt tay vào viết phần mềm Từ điển Tây Nguyên. Đây là chương trình nằm trong gói đề tài khoa học cấp tỉnh năm 2010. Triển khai vào năm 2009, với sự hỗ trợ của TS. Y Ghi Niê, Giám đốc Sở KHCN và một số chuyên gia tư vấn về ngôn ngữ, chỉ trong một năm, anh đã hoàn thành bộ từ điển. Cho đến khi đoạt giải Nhân tài đất Việt, đây là bộ từ điển có nhiều cái nhất: từ điển có nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số nhất Việt Nam (gồm 4 ngôn ngữ là Êđê, M’Nông, J’rai và Bana, với 41.000 mục từ); đội ngũ tư vấn là trí thức người dân tộc thiểu số đông nhất; sản phẩm có tính hoàn thiện nhất; đặc biệt, đây là bộ từ điển đa phương tiện, đa số các mục từ đều có hình ảnh minh họa, những địa danh đều có diễn giải về lịch sử, giới thiệu về văn hóa của vùng đất…Anh Bình cho biết: “Riêng về thư viện hình ảnh, tôi phải mất mấy tháng để hoàn thành. Hiện từ điển có hơn 500 mục từ liên quan đến địa danh, văn hóa… đều có kèm hình ảnh và lịch sử; chẳng hạn về mục về sông Sêrêpôk sẽ có hình ảnh con sông và lịch sử của nó. Thông qua bộ từ điển này, tôi cũng muốn giới thiệu những nét đặc trưng của vùng đất, văn hóa và con người Tây Nguyên”.

Chàng kỹ sư sinh năm 1975 này vẫn đang ấp ủ rất nhiều dự định. Trước mắt, anh sẽ tiếp tục tích hợp hệ thống ký tự của ngôn ngữ phi Latin (như ngôn ngữ của dân tộc Thái, Chăm…) vào bộ gõ VnKey; cải tiến Từ điển Tây Nguyên theo hướng xây dựng thành từ điển online để người sử dụng có thể lên mạng tra cứu trực tuyến; xây dựng thêm từ điển song ngữ Êđê - Việt và tích hợp hệ thống phát âm (hiện nay mới chỉ phát âm tiếng Việt). Anh còn có tham vọng từ bộ từ điển này sẽ xây dựng một chương trình dịch thuật tiếng dân tộc thiểu số tự động.

Chàng kỹ sư hóa dầu với khát vọng làm chủ công nghệ
Sinh năm 1980, là một trong những học sinh xuất sắc nhất lớp chuyên Hóa khóa đầu tiên của Trường THPT chuyên Nguyễn Du (TP. Buôn Ma Thuột), năm 2003 Nguyễn Trọng Tuyên tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Công nghệ hóa học, ngành Công nghệ Hữu cơ - lọc hóa dầu.

Nguyễn Trọng Tuyên tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nguyễn Trọng Tuyên tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Sau khi tốt nghiệp, Tuyên làm việc cho một công ty của Nhật tại Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội. Đến tháng 5 – 2006, anh được tuyển vào Ban Quản lý Dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và được cử đi đào tạo tại trường Đào tạo nhân lực Dầu khí (Vũng Tàu) và tiếp tục được đào tạo chuyên sâu tại Công ty UOP, Des Plaines - Illinois (Hoa Kỳ). Đến tháng 8 – 2009, anh nhận công tác tại phòng Điều độ sản xuất, công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn thuộc Khu công nghiệp lọc dầu Dung Quất với nhiệm vụ chính là lập kế hoạch dài hạn, xây dựng chương trình quy hoạch tuyến tính (LP) sử dụng cho lập kế hoạch, đánh giá và lựa chọn dầu thô.

Được làm việc và cống hiến sức trẻ tại nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam là niềm hãnh diện của Tuyên và nhiều kỹ sư người Việt khác. Tuyên bộc bạch: những ngày học tập tại công ty UOP, được tiếp xúc với khoa học công nghệ tiên tiến, rồi khi về nước nhận công tác, chứng kiến việc Nhà máy phải tiêu tốn hàng trăm ngàn USD mỗi tháng để trả công cho chuyên gia nước ngoài càng thúc đẩy anh nỗ lực phấn đấu học hỏi để vươn lên với niềm mong ước cháy bỏng là  một ngày không xa, các chuyên gia, kỹ sư người Việt Nam có thể thay thế được các chuyên gia nước ngoài thực hiện những công việc khó khăn nhất.

Hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 1 nghìn tấn sản phẩm các loại/ngày. Tuyên tự hào: Đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tham gia công tác vận hành nhà máy đã hoàn toàn tự chủ việc vận hành, tiếp cận công nghệ ở mức 90% và đến tháng 4 sang năm sẽ bảo đảm 100% nhiệm vụ vận hành nhà máy mà không cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Cùng với các đồng nghiệp của mình, chàng kỹ sư hóa dầu trẻ tuổi Nguyễn Trọng Tuyên vẫn đang nỗ lực làm việc hết mình để góp phần tạo ra những sản phẩm từ dầu thô mang thương hiệu Việt Nam.

Mầm non tương lai của bóng đá Việt Nam
Trong một chuyến thăm Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – Arsenal JMG, chúng tôi bất ngờ được ông Huỳnh Mâu, Giám đốc điều hành Học viện giới thiệu một cậu bé quê ở Dak Lak. Đó là Lương Hoàng Nam ở xã Quảng Tiến (Cư M’gar), hiện là học viên khóa 2 của Học viện.

Lương Hoàng Nam trên sân tập của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG
Lương Hoàng Nam trên sân tập của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG

Được phát triển trong một môi trường chuyên nghiệp đến lý tưởng, Nam trông có vẻ rắn chắc hơn nhiều so với tuổi 13 của mình. Nam không quá nổi bật về sức vóc, nhưng những pha phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, xử lý bóng thông minh, chững chạc của cậu khiến những người theo dõi liên tục phải ồ lên thán phục. Là người theo sát quá trình tập luyện của các học viên, HLV Graechen Guillaume cho biết, Nam là một cậu bé có tố chất khá tốt, sau 1 năm tập luyện, trình độ cơ bản của em tăng lên rất nhanh, có thể nói là sự tiến bộ được thể hiện từng ngày. Được phép của HLV Guillaume, Nam đã gặp chúng tôi ngay trên sân tập trong giờ nghỉ giải lao. Cùng với sự nhanh nhẹn hoạt bát trên sân tập, Nam cũng thể hiện đầy đủ sự tự tin khi tiếp xúc với người lớn mà vẫn không đánh mất sự ngây thơ vốn có của một cậu bé. Nam cho hay, em rất hãnh diện nhưng không quá bất ngờ khi được tuyển chọn vào Học viện. Với niềm đam mê mãnh liệt quả bóng tròn, ngay khi ở nhà em cũng đã thể hiện sự nổi trội so với các bạn cùng trang lứa. Kể về quãng thời gian đã qua ở Học viện, Nam tâm sự, những ngày đầu khi đặt chân đến đây, tối nào em cũng khóc vì nhớ nhà, nhớ ba mẹ và các anh chị, nhưng riết rồi cũng quen. Vả lại khi đã chấp nhận rời xa gia đình để đến đây em đã mang theo bao ước mơ cũng như quyết tâm trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Để đạt được ước mơ, Nam hiểu rõ khi đã vào đây là đã vào một môi trường chuyên nghiệp với một sự cạnh tranh rất lớn. Hơn thế, đây là nơi quy tụ của những tài năng bóng đá ưu tú từ khắp nơi trong cả nước. Vì vây, dẫu có nhiều tiến bộ nhưng vẫn phải nỗ lực tập luyện hơn nữa để hoàn thiện kỹ năng chơi bóng của bản thân. Nói về cậu học trò cưng của mình, trợ lý HLV Nguyễn Văn Đàn cho hay, nhận thức được để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, ngoài việc đá bóng giỏi ra thì mọi vấn đề khác cũng phải hành xử chuyên nghiệp nên Nam rất cố gắng trau dồi bản thân.

Với quyết tâm và sự nỗ lực của Lương Hoàng Nam, không lâu nữa bóng đá Việt Nam sẽ có thêm một tài năng là người con của quê hương Dak Lak. Như ông Huỳnh Mâu tự tin, với trình độ, niềm đam mê của các em cùng môi trường tập luyện chuyên nghiệp của Học viện, Nam và những bạn cùng trang lứa chính là tương lai của bóng đá Việt Nam.

H’Zina Byă: Giọng hát đầy “chất lửa” của núi rừng Tây Nguyên
Với giọng hát mạnh mẽ, nồng nàn, truyền cảm đầy “chất lửa”, thể hiện rất thành công các bài hát về Tây Nguyên - người con của buôn Ea Khit, xã Ea Bhôk (huyện Cư Kuin) – ca sĩ H’Zina Byă đã thuyết phục toàn bộ Hội đồng nghệ thuật và khán giả để vinh dự nhận giải Nhất trong Đêm chung kết Cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2010 được tổ chức tại Nhà hát Hòa Bình (TP. Hồ Chí Minh) vào tháng 12 vừa qua.

H'Zina B'yă
H'Zina B'yă

Sinh năm 1987, không phải con “nhà nòi” nhưng giọng ca của H’Zina ngay từ nhỏ đã được cha phát hiện và hướng theo con đường nghệ thuật. Khi còn đang học THCS, H’Zina đã thường xuyên tham gia các chương trình văn nghệ của trường, làm quen với ánh đèn sân khấu, có lẽ cũng từ đó H’Zina đã bén duyên với con đường ca hát. Thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Dak Lak năm 2004, trong quá trình học tập, rèn luyện, H’Zina đã thử sức, có cơ hội cọ xát tại nhiều cuộc thi, liên hoan và giành được các giải thưởng: giải Tư Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2008, giải Nhất Giọng hát hay TP. Buôn Ma Thuột 2006, giải Nhì dòng nhạc nhẹ Sao mai Dak Lak 2009, Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009…

Đến với Cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình 2010, bằng sự luyện tập miệt mài dưới sự dìu dắt, hướng dẫn của nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdăm, H’Zina đã tự tin vượt qua gần 2.000 thí sinh trong khắp cả nước tại vòng sơ tuyển để tiến vào vòng chung kết đầy gay cấn. Sau 7 đêm tranh tài, tại đêm chung kết cuối cùng, mỗi thí sinh trình diễn 3 ca khúc, trong đó có một tiết mục song ca với ca sĩ chuyên nghiệp, một hát với bè đệm và một có múa minh họa. H’Zina đã chọn 3 ca khúc Cho tình yêu bay lên bồng bềnh (sáng tác Nguyễn Cường), Nồng nàn cao nguyên (sáng tác Krajan Dick), Em muốn sống bên anh trọn đời (sáng tác Nguyễn Cường) để thể hiện chất giọng dày, khỏe, có kỹ thuật của mình. Với phần trình bày nồng cháy, đầy “chất lửa”, mang đậm màu sắc núi rừng Tây Nguyên, H’Zina như làm “tăng nhiệt” của khán phòng Nhà hát Hòa Bình và giành được nhiều cảm tình của khán giả khi đạt được số phiếu bình chọn cao nhất với tỉ lệ 44,29% tin nhắn bình chọn trực tiếp qua hệ thống điện thoại và cô cũng được trao thêm giải phụ Thí sinh người dân tộc đạt thứ hạng cao. “Tại Cuộc thi Ngôi sao tiếng hát truyền hình năm 2008, khi đó em vẫn chưa có kinh nghiệm và là lần đầu tiên tham gia cuộc thi lớn nên về chuyên môn, phong cách em còn rất non nớt, bỡ ngỡ. Đến cuộc thi lần này em đã tự tin hơn rất nhiều, lúc biểu diễn em chỉ nghĩ mình sẽ hát, truyền tình cảm, mang đến những ca khúc viết về Tây Nguyên hay nhất mà mình có dịp thể hiện cho khán giả cùng nghe. Qua cuộc thi em cũng đã học hỏi và được giúp đỡ rất nhiều từ các bạn thí sinh. Sau khi đoạt giải có rất nhiều bạn bè, người thân đã gọi điện thoại, nhắn tin chúc mừng, điều đó thực sự làm em rất cảm động và hạnh phúc…”, H’Zina chia sẻ niềm vui khi kể lại những kỷ niệm về cuộc thi lần này.

Không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện, vươn lên, tự khẳng định mình, hiện nay H’Zina đang tiếp tục theo học năm đầu Khoa Thanh nhạc – Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Tin rằng bằng chất giọng có sẵn cùng quyết tâm thực hiện ước mơ âm nhạc, H’Zina sẽ còn bay cao, bay xa hơn nữa trên con đường ca hát.

Nhà văn trẻ Nguyễn Thiên Ngân: Đường vẫn còn rộng và dài
Vượt qua gần 200 bản thảo tham dự Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần IV (2010), do Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, Báo Tuổi Trẻ và NXB Trẻ phát động, Nguyễn Thiên Ngân – người con của phố núi Ban Mê đã nhận giải Tư cho tiểu thuyết đầu tay “Những chuyển điệu” của mình.

Nguyễn Thiên Ngân
Nguyễn Thiên Ngân

Trẻ trung, tự tin, năng động, xuất hiện trong trang phục đơn giản quần Jean, áo sơ mi tại buổi Lễ trao giải Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần IV, Thiên Ngân đã tạo ấn tượng đặc biệt với nhiều người bằng những “kỷ lục” không phải ai cũng đạt được: là gương mặt trẻ nhất đoạt giải (22 tuổi), thời gian hoàn thành tác phẩm rất ngắn (1 tuần) và lần đầu tiên viết tiểu thuyết đã đoạt giải. Trước khi đến với cuộc thi, Thiên Ngân đã có một “vốn liếng” kha khá trong nghiệp văn chương: Năm 17 tuổi, khi đang còn là học sinh Lớp 11 chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, cô đã đoạt giải Nhất văn xuôi tại cuộc thi viết Chân dung Tuổi mới lớn lần II (2005) do báo Mực Tím tổ chức. Đến năm 2009 cô đã có thêm 5 tập sách trình làng: “Những phố dài ướt mưa”, “Hai chiếc xe khóa chặt vào nhau”, “Cặp vòng mây”, “Ngôi nhà mặt trời”, “Đường còn dài, còn dài”. Có thể nói, Thiên Ngân là cây bút trẻ hiếm hoi trong làng văn học với sức viết, sức sáng tác rất khỏe, đều tay cả về số lượng và chất lượng.

Không ngạc nhiên khi đọc các tác phẩm của Thiên Ngân dễ dàng nhận thấy ở tác giả này có một vốn sống phong phú, chững chạc. Có được vốn sống ấy có lẽ bởi Ngân là người chịu khó học hỏi, ham tìm hiểu, biết quan sát và thích đi du lịch. Từ Singapore, Mông Cổ cho đến Huế, Đà Lạt, Tam Đảo… mỗi địa điểm đặt chân đều để lại những ấn tượng, câu chuyện thú vị, kinh nghiệm thực tế để từ đó Thiên Ngân có cảm hứng và tư liệu đưa vào tác phẩm của mình. Không biết từ bao giờ, niềm đam mê sáng tác văn chương đã ngấm sâu vào máu thịt của Ngân, chỉ biết rằng để thực hiện niềm đam mê đó là một quá trình dài, nhiều thử thách và không ngừng khám phá. Làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, dù ở lĩnh vực nào và tác phẩm nào cô cũng cố gắng dồn tâm trí, làm hết sức mình để tác phẩm được hoàn thiện hơn. Với Thiên Ngân, không có phương châm, tuyên ngôn sáng tác, mà chỉ đơn giản là kể một câu chuyện về những điều trong cuộc sống thường ngày đang diễn ra xung quanh bằng cách viết nó ra theo cảm quan, nhìn nhận của bản thân. Thể hiện quan niệm ấy, trong những tác phẩm của Thiên Ngân, bên cạnh mặt mạnh là phân tích về tâm lý giới trẻ, cô còn có những góc nhìn khá sâu sắc đối với thế giới người lớn, phân tích họ bằng cảm nhận của riêng mình.

“Mưu sinh” và nuôi dưỡng “niềm đam mê” bằng chức vụ của một copy-writer (người viết bài quảng cáo) tại Công ty Lowe Woldwide (TP. Hồ Chí Minh), dù công việc hiện tại rất bận rộn nhưng Thiên Ngân vẫn dành thời gian đi du lịch và sáng tác để thực hiện mục tiêu “mỗi năm cố gắng viết được một cái gì đó để khỏi lụt nghề”. 22 tuổi, đầy tự tin, sức trẻ, với Thiên Ngân con đường sáng tác vẫn còn rất rộng và dài.

Nam Lan Thủy

 


Ý kiến bạn đọc