Multimedia Đọc Báo in

Bác sĩ của buôn làng

09:59, 16/03/2011

Bác sĩ Y Sui Byă (tên thường gọi là Ama Diệu) năm nay đã bước vào tuổi 50 và hiện là Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bhôk (Cư Kuin).

Là người dân tộc Êđê gốc, Ama Diệu là một trong số ít người tốt nghiệp Đại học Y Khoa hệ chính quy của Trường Đại học Tây Nguyên vào năm 1989. Những năm đầu mới ra trường, mặc dù có thể được nhận công tác ở Bệnh viện tỉnh hoặc huyện, song Ama Diệu lại quyết định trở về buôn Ea Khít quê hương để phục vụ dân làng. Anh giải thích: “Mình là người con của buôn làng, hiểu về phong tục tập quán của người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Từ nhiều đời nay, người dân không có thói quen đi bệnh viện khi ốm đau mà chỉ tổ chức cúng Giàng; việc sử dụng nước nước sinh hoạt cũng chủ yếu từ sông, suối và không qua đun nấu; khi ngủ không quen mắc màn; nuôi trâu, bò thường nhốt dưới sàn nhà… Những thói quen ấy đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Do đó, khi tốt nghiệp đại học xong, mình muốn về lại buôn làng với mong muốn giúp đỡ bà con nâng cao nhận thức về bảo vệ sức khỏe, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng cuộc sống bảo đảm sức khỏe và vệ sinh môi trường”.

Bác sĩ Ama Diệu đang khám bệnh tại nhà cho một người dân ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk (Cư Kuin).
Bác sĩ Ama Diệu đang khám bệnh tại nhà cho một người dân ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhôk (Cư Kuin).

Xã Ea Bhôk có hơn 16 nghìn dân, trong đó có gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Bình quân mỗi tháng hiện có khoảng 1.500 lượt người đến Trạm Y tế khám bệnh và lấy thuốc điều trị, vì toàn xã có đến 9.000 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Những ngày Ama Diệu mới về nhận công tác, đồng bào không có thói quen đưa trẻ em đến Trạm Y tế để tiêm chủng. Ama Diệu đã phải cùng anh em trong Trạm xách bộ các thùng vắc-xin đi từng thôn, buôn để tiêm cho phụ nữ và trẻ em phòng ngừa một số bệnh như: sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Sau này, khi đa số người dân có bệnh đã biết đến Trạm Y tế thì một số gia đình vẫn quen gọi cho “Bác sĩ Ama Diệu” đến khám tại nhà khi có người bị bệnh. Gặp những trường hợp như thế, Ama Diệu lại phải “xách đồ nghề lên đường” bất kể đêm khuya, mưa gió. Mỗi ca điều trị xong, khác với ở thành thị là bác sĩ sẽ được thù lao bằng “tiền tươi”, Ama Diệu cũng được “trả công xứng đáng” bằng một lời “lac jăk” (cảm ơn) hoặc mời một chầu rượu say bí tỉ đến nửa đêm mới về được đến nhà. Cũng có trường hợp người dân đến tận nhà “tạ ơn” nhưng lại bằng “kpiê” (rượu).

Cùng với việc khám và điều trị bệnh tại Trạm Y tế, Ama Diệu còn kết hợp với Ban Tự quản các thôn, buôn lồng ghép việc tuyên truyền cho nhân dân về các loại bệnh, dịch thường xảy ra và biện pháp phòng ngừa trong các buổi họp dân hằng tháng. Nhờ đó mà người dân ở các thôn, buôn nói chung và người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng đã dần thay đổi được ý thức về bảo vệ sức khỏe và vệ sinh môi trường. Hiện nay, hầu như không còn hộ dân nào nhốt gia súc dưới sàn nhà, các gia đình đều dùng nước giếng và ăn chín, uống sôi, đặc biệt là ngủ đã biết mắc màn có tẩm cả thuốc diệt muỗi, do đó chuyện về bệnh sốt rét chỉ còn là chuyện trong quá khứ.

Nói về thực trạng của Trạm Y tế và những suy nghĩ của mình trong công việc, bác sĩ Ama Diệu cho biết: Quân số của Trạm hiện nay là 7 người, biên chế này mới chỉ đạt gần 50% theo quy định. Cả trạm chỉ có một mình Ama Diệu là bác sĩ nên việc phục vụ nhân dân hết sức khó khăn, vất vả. Mức phụ cấp cho cán bộ y tế thôn, buôn cũng còn rất thấp, đặc biệt là chế độ trực đêm (bình quân chỉ có 10.000 đồng cho một ca trực)… Ama Diệu mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở vật chất cho các Trạm Y tế để nâng cao khả năng khám, chữa bệnh cho nhân dân, bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách tốt nhất.

15 năm giữ cương vị Trạm trưởng, bác sĩ Ama Diệu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và năm nào cũng được các cấp từ huyện đến tỉnh khen thưởng. Người dân địa phương thì trìu mến gọi Ama Diệu bằng cái tên “Bác sĩ của buôn làng”…

 

H’ Nguyệt Ayun

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.