Triệu phú trẻ tuổi 25
Sinh năm 1987, Nguyễn Văn Tài, thôn Đoàn Kết 1, xã Buôn Triết (Lak) gặp phải nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Mẹ anh bỏ nhà đi khi anh mới được 15 tháng tuổi. Năm Tài lên 9 tuổi, bố anh chết đuối trong một lần đi làm. Do gia cảnh khó khăn, bà nội lại thường xuyên đau ốm, học đến lớp 12, Tài quyết định nghỉ học để lập nghiệp.
Vừa chăm sóc bà, Tài vừa làm ruộng để kiếm sống. Lúc đầu do chưa có kinh nghiệm nên lúa của Tài sinh trưởng kém, cho năng suất không cao và thường bị sâu bệnh. Anh thường phải đến những cơ sở nhỏ lẻ trên địa bàn xã, có khi phải đi rất xa sang xã khác, và lên TP. Buôn Ma Thuột để mua đúng loại thuốc mình cần. Từ những chuyến đi đó, anh chợt nảy ý tưởng mở đại lý bán phân bón và thuốc trừ sâu ở địa phương. Nghĩ sao làm vậy, năm 2001, anh đã mạnh dạn vay mượn tiền để kinh doanh. Anh còn chịu khó học hỏi, tìm kiếm thông tin cần thiết trên sách báo, cũng như tìm đến những người đã thành công trong lĩnh vực kinh doanh này để học hỏi kinh nghiệm. Do ở xã Buôn Triết, số cơ sở kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu chưa nhiều, đại lý của Tài lại còn bán với giá vừa phải nên khách đến mua ngày càng nhiều, kinh tế gia đình anh đã dần được cải thiện, có của ăn của để. Hiện đại lý của anh bán hàng dưới nhiều hình thức, người nông dân có thể mua bán qua điện thoại, đến trực tiếp để mua hàng, hay anh chở hàng đến tận nơi bà con nông dân cần. Mỗi năm sau khi đã trừ chi phí, anh thu lãi được khoảng 270 triệu đồng.
Không dừng lại ở đó, có vốn, Tài mua máy gặt, máy tuốt lúa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Kinh nghiệm chăm sóc lúa cũng ngày một nhiều hơn. Nhờ vậy, 3 ha lúa của gia đình anh phát triển tốt và cho năng suất cao (8 tạ/sào), nâng tổng thu nhập của gia đình anh lên trên 300 triệu đồng/năm.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, làm giàu cho bản thân, anh Nguyễn Văn Tài còn sẵn sàng hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm đã tích lũy được về nghề trồng lúa cho thanh niên trong xã. Anh còn đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu tạo điều kiện giúp các hộ gia đình khó khăn và những thanh niên khó khăn về vốn để chăm sóc lúa, đến khi lúa cho thu hoạch mới phải thanh toán chi phí.
Ý kiến bạn đọc