Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn

17:23, 05/06/2011

Khi sinh ra, anh Hoàng Văn Vĩnh, thị trấn Ea Pôk (Cư M’gar) đã không may mắn khi bị dị tật ở chân, không thể tự đi lại và chăm sóc cho bản thân. Nhưng không vì thế mà anh nản lòng, với nghị lực phi thường, anh đã vươn lên trong học tập và thi đậu vào trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, những khó khăn khi đi học xa nhà khiến anh không vượt qua được, anh Vĩnh bỏ học giữa chừng. Năm 1995, anh quyết định học nghề điện tử tại TP. Hồ Chí Minh và 3 năm sau, anh quyết định về Ea Pôk mở tiệm sửa chữa điện tử. Năm 2002, anh mở thêm cơ sở sản xuất hàng mỹ nghệ dành cho người khuyết tật.

Thời gian đầu, việc kinh doanh rất khó khăn, nhưng vượt qua những khó khăn về vốn, kinh nghiệm và cả về thể trạng sức khỏe, anh Vĩnh miệt mài làm việc và dạy cho hơn 10 lao động đều là người khuyết tật với mong muốn giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh tật và sống có ích, hòa nhập với cộng đồng, không mặc cảm, tự ti. Hằng tháng, anh Vĩnh nhận làm hàng và bỏ hàng mỹ nghệ cho rất nhiều cửa hàng tại TP. Buôn Ma Thuột. Sản phẩm của anh làm ra rất đẹp nên sản xuất đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. Đến nay, anh đã có cơ sở sản xuất kinh doanh khá khang trang ở nhiều địa điểm. Hằng năm, trừ chi phí, gia đình anh còn thu lãi từ 120 – 150 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động khuyết tật với mức thu nhập  từ 2 – 4 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh đó, anh Vĩnh còn tham gia Câu lạc bộ Người khuyết tật thị trấn Ea Pốk (Cư M’gar)  và luôn tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh với mình trong công việc và trong cuộc sống, vận động họ cùng tham gia các hoạt động xã hội. Nhận thấy anh rất tâm huyết với công việc và có nhiều đóng góp cho CLB Người khuyết tật, tháng 4 vừa qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã đứng ra tín chấp với Dự án Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam giúp anh vay 16 triệu đồng để có thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho nhiều lao động là người khuyết tật. Trong thời gian sắp tới, anh Vĩnh dự định sẽ hợp đồng với một công ty may mặc tại TP. Hồ Chí Minh nhận may đồ công nhân cho công ty. Anh sẽ bỏ vốn thuê người về dạy cắt may cho 5 chị là người khuyết tật tại xã.

 

Phạm Thị Len

 


Ý kiến bạn đọc