Triệu phú của thôn
Năm 1978, ông Nguyễn Văn Phấn xuất ngũ về lại quê lúa Thái Bình. Cuộc sống hai vợ chồng ông ở quê gặp rất nhiều khó khăn bởi vốn liếng và đất đai sản xuất đều không có, cái đói nghèo vẫn luôn đeo bám. Năm 1989, vợ chồng Nguyễn Văn Phấn và hai người con quyết định vào Dak Lak lập nghiệp, định cư ở thôn 2, xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar).
Đến quê hương mới với hai bàn tay trắng, đất đai không có, gia đình ông Phấn gặp không ít khó khăn. Nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, không chùn bước trước khó khăn, ông Phấn đi làm thuê, làm mướn để nuôi gia đình. Không có đất ở, ông phải thuê đất để làm căn nhà tạm cho gia đình. Hai vợ chồng làm thuê mua được con heo nái nhưng lại không có heo đực để phối giống, ông phải đưa heo nhà mình đi nhà khác để xin phối giống. Cần mẫn lao động, tích cóp, năm 1993 gia đình ông mua được 5 sào đất để ở và phát triển kinh tế. Lợi dụng trong vườn có hố bom, ông đã tiến hành đào ao thả cá và nuôi vịt. Dần dần, từ những đồng vốn có được, ông mua thêm đất đai để sản xuất. Ngoài ra, ông Phấn còn chịu khó học hỏi kinh nghiệm sản xuất, tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi thông qua sách báo, tham qua các mô hình làm kinh tế giỏi. Hiện nay, gia đình ông có 1,1 ha cà phê kinh doanh, 3,5 ha đất trồng cây hoa màu, 1 ha lúa nước và 3 sào diện tích mặt nước để thả cá và nuôi vịt. Gia đình ông hiện chăn nuôi hơn 100 con gà và hơn 70 con vịt. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông Phấn thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ông cũng đã xây dựng căn nhà khá khang trang, mua sắm đầy đủ các dụng cụ sinh hoạt, máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi 4 con đang ăn học.
Không chỉ là một nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Phấn còn được bà con tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn 2, xã Cư M’gar, kiêm tổ trưởng tổ vay vốn hội Nông dân. Bà con trong thôn còn thân mật gọi ông là “triệu phú của thôn”.
Ý kiến bạn đọc