Multimedia Đọc Báo in

Người cộng tác viên dân số "3 trong 1"

15:12, 28/08/2011

Năm 1991, chị Nguyễn Thị Mạo cùng gia đình từ quê hương Hà Nam vào lập nghiệp tại thôn 7, xã Ea M’nang (Cư M’gar). Những năm đầu, mặc dù cuộc sống khó khăn, vất vả, nhưng chị Mạo vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động phong trào do địa phương tổ chức. Năm 2001, chị được bầu làm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn 7 và đã tích cực cùng với chị em trong thôn đưa phong trào phụ nữ địa phương ngày càng phát triển. Năm 2004, chị Mạo được tín nhiệm làm cộng tác viên dân số.

Chị Mạo đang trò chuyện với chị Trần Thị Ngọc, đối tượng vừa đi đình sản năm 2011.
Chị Mạo đang trò chuyện với chị Trần Thị Ngọc, đối tượng vừa đi đình sản năm 2011.

Cũng như các cộng tác viên khác, những ngày đầu làm công việc mới, chị gặp không ít khó khăn, trong đó nếp nghĩ “trời sinh voi sinh cỏ”, tâm lý thích sinh con trai để “nối dõi tông đường”, “có nếp có tẻ”... của người dân vẫn là rào cản lớn nhất trong công tác tuyên truyền, vận động về DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, ở địa bàn chị quản lý, dân cư sống rải rác, nhà cách nhà đến hàng cây số, đường sá đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Thu nhập của người dân trong thôn chủ yếu dựa vào làm nương rẫy nên rất bấp bênh, giờ giấc sinh hoạt của bà con cũng thất thường nên việc gặp gỡ họ để nói chuyện, tuyên truyền, vận động thực hiện KHHGĐ khá khó khăn. Với lợi thế vừa là cộng tác viên dân số, vừa là Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, trong các buổi họp thôn, sinh hoạt Hội phụ nữ, nông dân, Đoàn thanh niên ... chị đã lồng ghép tuyên truyền về Pháp lệnh Dân số, Luật bình đẳng giới, các kiến thức về làm mẹ an toàn, các biện pháp tránh thai hiện đại, cách phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục... Để mọi người hiểu hơn, chị kết hợp vừa tư vấn vừa cấp phát tờ rơi, tờ bướm cho họ đọc tại chỗ hoặc mang về nhà tham khảo khi cần thiết. Với sự cần cù, kiên trì, chị Mạo luôn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động với phương châm “mưa dầm thấm lâu”; tranh thủ buổi trưa, buổi tối, lúc rảnh rỗi đến các hộ nghèo do sinh đông con, cặp vợ chồng sinh con một bề để trò chuyện, vừa chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, vừa tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, không sinh con quá dày, dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, phát triển kinh tế gia đình. Chẳng hạn như gia đình chị Thái Thị Hòa, do có 3 cô con gái nên chồng chị nhiều lần bàn với chị sinh thêm đứa nữa, hy vọng có đứa con trai nối dõi. Biết chuyện, chị Mạo đã đến tận nhà tư vấn, vận động vợ chồng chị Hòa không nên sinh thêm con nữa, không nên phân biệt con trai, con gái, cuối cùng chị Hòa đã đồng ý đi đình sản. Các gia đình khác như gia đình chị Bàn Thị Thứ có 4 con trai; gia đình chị Trần Thị Ngọc có 3 con (1 trai, 2 gái)  cũng có ý định sinh thêm con đã được chị Mạo trò chuyện, thuyết phục và đã đồng ý đi đình sản.

Thôn 7 hiện có 72 hộ, 339 nhân khẩu; số phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng là 55 chị. Trong 6 tháng đầu năm 2011, toàn xã có 10 ca đình sản thì thôn 7 đã chiếm 3 ca. Toàn thôn hiện có 44 trường hợp áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, chiếm 80%; trong đó đình sản 7 ca, đặt vòng 16 ca, thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc uống và bao cao su là 21 ca. Số trẻ sinh ra hàng năm thấp so với mặt bằng chung của xã, năm 2010 chỉ có 3 trẻ, 6 tháng đầu năm 2011 chỉ có 2 trẻ. Số hộ nghèo trong thôn ngày càng giảm, đời sống của người dân trong thôn càng được nâng cao, nhiều gia đình đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được các đồ dùng tiện nghi như xe máy, ti vi ... Phụ nữ mang thai đều được khám thai đầy đủ tại trạm y tế, trẻ em sinh ra được tiêm chủng và uống vitamin đầy đủ theo quy định, số trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, thôn 7 đang được xem xét công nhận danh hiệu “thôn văn hóa”.
Không chỉ là cộng tác viên dân số giỏi, chị Nguyễn Thị Mạo còn là chi hội trưởng phụ nữ, tổ trưởng tổ vay vốn nhiệt tình, năng nổ. Trên mọi chức vụ công tác chị Mạo luôn hoàn thành tốt công việc được giao và luôn được bà con tin yêu, quý mến.

Đình Quân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.