09:02, 10/08/2011
Không một đồng lương, không được ai vinh danh hoặc biết đến, nhưng họ vẫn cứ lặng lẽ đi và quyên góp, đi để thấu hiểu và đồng cảm hơn với những nỗi đau! Họ đã làm tất cả với mong mỏi sẻ chia sự mất mát mà gia đình những người lính năm xưa đã phải gánh chịu…
Về hưu nhưng bà Phạm Thị Ngát (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) không chọn cho mình sự thảnh thơi, nghỉ ngơi. Ngày qua ngày, bà vẫn tiếp tục đi làm công tác vận động, quyên góp những đồng tiền dù ít ỏi những chứa đựng tấm lòng sẻ chia của bà con để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn huyện. Bao nhiêu năm qua, người dân ở thị trấn Quảng Phú đã quá quen với hình ảnh người phụ nữ mái tóc giờ đã không ít sợi bạc, gương mặt hằn lên nhiều vết nhăn vẫn len lỏi qua từng con hẻm nhỏ, đến từng nhà “gom” vật phẩm, tiền bạc để gửi tặng những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Bà chẳng còn nhớ mình đã đi vận động được bao nhiêu tiền, giúp đỡ được bao nhiêu gia đình, chỉ biết rằng mỗi khi hội, đoàn thể của địa phương kêu gọi giúp đỡ là bà lại lên đường đi quyên góp; nghe tin nạn nhân nào mệt là bà lại tất tả đến thăm nom, tìm cách giúp đỡ. Không ngại nắng mưa, bằng uy tín và sự gương mẫu đi đầu của mình, bà đến gõ cửa từng nhà, kêu gọi sự ủng hộ của bà con. Người thì đóng góp cho bà vài ba chục nghìn, người thì ủng hộ mấy cân gạo, bà đều nhận cả, mang để trong nhà mình, chờ hội viên của Hội Chữ thập đỏ đến lấy. Đợt quyên góp nhiều nhất, trong nhà bà có khi đến 2 tạ gạo và hơn 2 triệu đồng.
|
Bà Phạm Thị Ngát đang trao đổi với hội viên Hội Cựu chiến binh thị trấn Quảng Phú, bàn bạc những cách làm mới, thiết thực giúp đỡ đồng đội kém may mắn. |
Từng tham gia quân ngũ và đi qua khói lửa chiến tranh, bà thấu hiểu thế nào là đau thương, mất mát và nỗi đau mà đồng đội mình đã phải gánh chịu. Bà kể, mới đây nhất, khi cùng mấy chị em trong Hội Chữ thập đỏ, Cựu chiến binh đến thăm gia đình cựu chiến binh Huỳnh Tấn Lệ (khối 4, thị trấn Quảng Phú), bà nhói lòng khi chứng kiến nỗi vất vả của đồng đội khi cố chạy chữa cho đứa con gái bị bệnh máu trắng do người cha bị nhiễm chất dộc da cam. Bao nhiêu tiền của đều đổ dồn vào thuốc men cho con, kinh tế gần như kiệt quệ, người cha càng cố gắng vươn lên bao nhiêu thì lại càng bất lực khi nhìn căn bệnh hành hạ con mỗi ngày. Thấu hiểu nỗi đau về cả vật chất và tinh thần, bà càng muốn làm được nhiều điều hơn nữa để góp phần xoa dịu những vết thương của đồng đội. Bà tâm sự: “Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục làm việc, giúp đỡ đồng đội, mong xoa dịu nỗi đau quá lớn mà họ đang phải chịu đựng. Số tiền có được tuy không nhiều nhưng với những gia đình ở nông thôn thì đó lại là một con số có ý nghĩa… ”.
|
Với những việc làm của mình, anh Trần Cao Bình mong muốn góp phần chia sẻ, xoa dịu nỗi đau với các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam |
Chúng tôi càng cảm nhận được ý thức trách nhiệm của tuổi trẻ hôm nay đối với thế hệ cha anh qua việc làm thiết thực của anh Trần Cao Bình, hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/ điôxin tỉnh, hiện là nhân viên Trung tâm Tổ chức sự kiện TP. Hồ Chí Minh tại TP. Buôn Ma Thuột. Không chỉ tham gia tích cực các hoạt động của Hội, anh còn lo vận động các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp giúp đỡ những gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. May mắn lớn lên khi đất nước hòa bình nhưng mỗi khi có dịp bắt gặp những cảnh ngộ đau lòng bởi di chứng nặng nề do chiến tranh để lại cho gia đình những người lính năm xưa làm anh không khỏi xót xa. Nỗi ám ảnh cứ theo anh mãi đến tận bây giờ, làm anh nhớ mãi đó là vào năm 2005, anh tham gia tổ chức chương trình nghệ thuật do Đoàn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang từ TP. Hồ Chí Minh về Dak Lak biểu diễn. Đêm ấy, đoàn diễn vở cải lương phản ánh cuộc sống thực của các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam, trong đó, có lồng ghép những đoạn phim tư liệu. Nhìn những thân hình dị dạng, nụ cười ngơ ngẩn của các em nhỏ bị nhiễm thứ chất độc từ chính người cha của mình mang về từ chiến trường năm xưa chiếu trên màn ảnh, anh đã không nén được nước mắt. Một ý nghĩ cứ len lỏi trong đầu, thôi thúc anh phải hành động, phải làm một việc gì đó giúp đỡ những con người ấy. Và thế là anh trở thành một người “chuyên” đi vận động, quyên góp cho những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam. Một năm sau, khi trở thành hội viên của Hội, anh luôn trăn trở làm như thế nào để góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình nạn nhân chất độc da cam. Anh chẳng nhớ mình đã đi đến bao nhiêu đơn vị, gặp gỡ bao nhiêu doanh nghiệp, tập thể trong và ngoài tỉnh để vận động. tìm kiếm nguồn kinh phí hỗ trợ những nạn nhân của chất độc da cam. Từ năm 2006 đến nay, số tiền do anh Bình quyên góp về cho Hội lên đến trên 500 triệu đồng. Những “dẫn chứng” mà anh đưa ra để vận động trong những buổi chuyện trò ấy là những mảnh đời bất hạnh… được kể bằng chính trái tim, tấm lòng của một người biết đồng cảm sâu sắc với những gia đình kém may mắn như thế...
Đâu đó tại các địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều gia đình ngày đêm phải đối mặt với những vết thương mang về từ khói lửa chiến tranh, cứ âm ỉ đau, làm lòng người “chảy máu”. Song, cũng có không ít tình nguyện viên như thế cứ lặng lẽ với công việc của mình. Chính việc làm của họ đã khơi dậy tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng, cùng chung tay xoa dịu nỗi đau, mất mát với những hoàn cảnh bất hạnh bởi di chứng của thảm họa da cam.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc