Vượt lên bất hạnh, vươn lên làm giàu
Sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em, anh Nguyễn Tấn Lực không may bị liệt một chân sau một cơn sốt năm lên 4 tuổi. Với sự chăm sóc tận tình và động viên của cha mẹ và người thân trong gia đình, anh Lực không nản lòng mà tự vươn lên, phấn đấu học hành rồi lấy vợ, sinh con. Sau khi lập gia đình, anh Lực đưa vợ con vào lập nghiệp tại thôn 1, xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột). Năm 1989, anh vay mượn vốn từ bạn bè, người thân mở tiệm điện cơ rồi dần dần mở rộng ngành nghề kiêm luôn sửa chữa điện tử.
Thời gian đầu, việc kinh doanh rất vất vả, bản thân anh là người khuyết tật lại càng gian khổ hơn nhiều. Vượt qua những khó khăn về vốn, kinh nghiệm và cả về sức khỏe, anh miệt mài làm việc và dạy nghề cho 15 lao động là người khuyết tật với mong muốn: giúp đỡ họ vượt qua khó khăn và mặc cảm, tự ti, nuôi sống bản thân, giúp đỡ gia đình, chiến thắng bệnh tật và sống có ích, hòa nhập với cộng đồng. Nhiều học trò của anh đã trưởng thành, trong đó có hơn chục người đã tự mở tiệm điện tử với mức thu nhập khá ổn định.
Nhận thấy anh là một người có tình cảm và tâm huyết với công việc cũng như những đóng góp với CLB Người khuyết tật tại thôn 1, xã Hòa Thuận, năm 2008 Hội Phụ nữ tỉnh đã đứng ra tín chấp với Dự án Ủy ban Y tế Hà Lan – Việt Nam giúp anh vay 35 triệu đồng để có thêm vốn mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho thêm nhiều lao động. Đến nay, anh Lực đã có tiệm sửa chữa điện tử, điện cơ khá khang trang. Hằng năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi từ 80 đến 90 triệu đồng, bảo đảm việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập từ 1-1,5 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ một số kinh nghiệm của mình, anh Lực bộc bạch: chỉ cần có nghị lực quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, không tự ti, mặc cảm thì việc gì cũng làm được.
Ý kiến bạn đọc