Multimedia Đọc Báo in

Bông hồng vàng trên đất đỏ bazan

10:07, 14/11/2011

Năm 1982, rời vùng quê Hà Tĩnh, cô gái Nguyễn Thị Thủy đến với đất đỏ cao nguyên Dak Lak, từ đó “mối tình” giữa cô và Công ty TNHH Một thành viên 721 (tiền thân là hai Trung đoàn quân đội làm kinh tế thuộc Sư đoàn 333), đã bắt đầu “đơm hoa kết trái”. Đến nay gần 30 năm gắn bó, trải qua nhiều công việc, chức vụ từ nhỏ đến lớn, thế nhưng tình cảm ấy vẫn “son sắt mặn nồng”.

Ở bất kỳ vị trí cương vị nào, chị Nguyễn Thị Thủy luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc  của mình.
Ở bất kỳ vị trí cương vị nào, chị Nguyễn Thị Thủy luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình.
Tiếp xúc với chị, điều dễ nhận thấy ở người phụ nữ này chính là vẻ đằm thắm cùng tính cách mềm mỏng nhưng cũng rất cương quyết. Gắn bó với công ty ngay từ những năm trước đổi mới nên chị hiểu rõ về sản xuất cây công nghiệp và những thuận lợi cũng như hạn chế của vùng đất nơi mình sinh sống, nên khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên 721 vào năm 2007, năm mà đất nước đang ở trong giai đoạn có nhiều thời cơ nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức, chị và đồng nghiệp đã quyết tâm thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp nhằm thích ứng với tình hình mới. Khi nhận nhiệm vụ mới, chị ưu tiên hàng đầu việc giải quyết các vấn đề đất sản xuất nông nghiệp còn tồn đọng, thực hiện phương thức khoán sản xuất nông nghiệp… từ đó làm cho công nhân trong công ty yên tâm lao động sản xuất. Tiếp đó, chị cùng đồng nghiệp hoàn thành việc xây dựng chiến lược phát triển công ty và đề án chuyển đổi công ty thành công ty TNHH Một thành viên. Việc thành lập công ty luôn đi kèm với yêu cầu tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý bộ máy hành chính, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm, nên chị cùng đảng bộ công ty thường xuyên học tập, tìm hiểu các nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước; học hỏi thêm nhiều cách thức ứng dụng KHKT vào sản xuất, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, chuyên đề hàng tháng, hàng vụ, hàng năm. Nhờ đó kết quả sản xuất hàng năm của đơn vị đều có lãi, hoàn thành tốt nghĩa vụ nộp ngân sách, nghĩa vụ thu nộp bảo hiểm xã hội. Bản thân chị chỉ trong vòng 4 năm qua đã hoàn thành các lớp đào tạo giám đốc doanh nghiệp, bồi dưỡng kiến thức quân sự quốc phòng, tham gia và tổ chức cho cán bộ, đảng viên trong công ty hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong những năm gần đây, đứng trước yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, trong vai trò là Trưởng ban xúc tiến chị đã cùng đồng nghiệp của các đơn vị bạn tại các tỉnh Tây Nguyên xây dựng dự án, góp vốn thành lập Công ty Cổ phần sản xuất kinh doanh phân bón Vinacafe, với mục tiêu sản xuất phân hữu cơ vi sinh bằng việc tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp, cải tạo môi trường, cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển bền vững, tăng năng suất, chất lượng và đã bắt đầu đi vào sản xuất tại Cụm Công nghiệp Ea Đar (Ea Kar) từ đầu năm 2011. Được tín nhiệm về năng lực và cách thức quản lý, sau đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất chị đã được bầu làm Chủ tịch hội đồng quản trị. Bên cạnh đó, chị còn là huyện ủy viên, Đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016, ở vị trí nào chị cũng cố gắng và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao

Những nỗ lực không mệt mỏi của chị đã đạt được những thành tích danh hiệu như: Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng, Danh hiệu Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2008, Cúp Bông hồng vàng 2010, đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc... Tuy giữ những chức vụ quan trọng trong công tác nhưng chị vẫn luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm với gia đình. Được cùng chồng chăm lo cho gia đình của mình, với ba cô con gái ngoan ngoãn, xinh xắn, với chị đó là những niềm hạnh phúc giản đơn. Chị tâm sự: “Gia đình luôn là trụ cột vững chắc của mình, chỉ khi nào bình yên nơi gia đình mới có thể giúp mình có điều kiện hoàn thành tốt công việc và tham gia công tác xã hội”.

G.T

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.