Multimedia Đọc Báo in

Một cộng tác viên dân số bền bỉ, nhiệt tình

12:34, 01/11/2011

Chị Đỗ Thị Kim Cúc bắt đầu làm cộng tác viên dân số tại thôn Hòa Tây, xã Ea Bông (Krông Ana) từ năm 1995. Khi đó, cuộc sống của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn, quan niệm “sinh đông con để làm nương rẫy”, “có con trai để nối dõi tông đường” khá phổ biến ở địa phương thuần nông này. Do đó, công tác tuyên truyền, tư vấn cho người dân sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại là một thách thức lớn đối với một cán bộ dân số.

Chị Đỗ Thị Kim Cúc (bìa trái) trong một buổi giao ban tại xã Ea Bông.
Chị Đỗ Thị Kim Cúc (bìa trái) trong một buổi giao ban tại xã Ea Bông.
Chị Cúc kể lại: “Nhiều trường hợp vận động được người vợ thực hiện đình sản nhưng người chồng kiên quyết phản đối. Có người còn nói những lời khiếm nhã, hoặc đuổi cộng tác viên dân số ra khỏi nhà”. Tuy vậy, chị Cúc không hề nhụt chí mà vẫn bền bỉ với việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, tự giác học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp và trau dồi kiến thức tuyên truyền, vận động. Chị kiên trì bám sát đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ; trong đó, chị chú trọng tư vấn đối tượng nam nông dân về vai trò của họ trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, lợi ích nếu sinh ít con. Đi tuyên truyền ban ngày không gặp, chị tranh thủ đi ban đêm. Gia đình nào có đông con, khó khăn chị đều đến để động viên, chia sẻ, có khi vận động mọi người quyên góp gạo để ủng hộ.

Một thuận lợi lớn nhất đối với chị Cúc là trong 16 năm làm cộng tác viên dân số thì có 11 năm chị kiêm nhiệm công tác ở Hội Chữ thập đỏ xã Ea Bông. Vì thế, với những gia đình nghèo đói đông con, một mặt, chị kêu gọi các tổ chức, cá nhân giúp đỡ về kinh tế, mặt khác, chị tận tình tâm sự, khuyên bảo họ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Bên cạnh đó, chị còn vận động các chị em trong thôn giúp đỡ ngày công mỗi khi có trường hợp đau ốm, sinh đẻ... Không chỉ kiên trì đi vận động, chị Cúc còn chủ động tham mưu cho Bí thư chi bộ, trưởng thôn phối hợp với các đoàn thể để lồng ghép chương trình dân số vào trong các hoạt động của thôn. Đồng thời, có sáng kiến đưa tiêu chí “không sinh con thứ 3 trở lên” vào bình xét gia đình văn hóa, tạo điều kiện cho những gia đình sinh 2 con vay vốn phát triển kinh tế được nhiều người ủng hộ.
Nhờ ý chí bền bỉ và sự nhiệt tình của chị Cúc, nhiều người dân ở thôn Tân Hòa đã nghe theo và chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, mỗi cặp vợ chồng sau khi cưới nhau đều quyết định chỉ sinh 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chị Cúc tâm sự: “Trước đây, nhìn thấy cảnh những gia đình đông con, nhếch nhác, chị em lại đau yếu, gia cảnh khó khăn nên tôi muốn làm một điều gì đó để thay đổi suy nghĩ của mọi người. Hiện tại tôi rất vui vì người dân đã tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình”. Từ năm 1995 đến nay, chị Cúc đã vận động được 68 trường hợp đi đình sản. Hiện tại, thôn Tân Hòa có 58 chị trong độ tuổi sinh đẻ có chồng thì gần 80% chị sử dụng các biện pháp tránh thai, 2 năm nay, thôn không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt. Năm 2008, chị Cúc còn phối hợp với Hội Phụ nữ xã Ea Bông xây dựng được mô hình Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với 38 gia đình hội viên đăng ký tham gia sinh hoạt.

Bằng những việc làm trên, chị Cúc luôn được các cấp lãnh đạo tin tưởng, bà con lối xóm quý mến và thương yêu. Đó chính là niềm vui, là cơ sở để chị Cúc tiếp tục gắn bó với công tác dân số.

Võ  Thảo

Ý kiến bạn đọc