Multimedia Đọc Báo in

Cây sáng kiến của ngành điện

09:45, 26/12/2011

“Bình “già” hay Bình “khỉ” là những cái tên thân mật mà các kỹ sư, nhân viên trong ngành gọi anh Phạm Viết Bình (sinh năm 1958), nhân viên phòng kế hoạch kỹ thuật vật tư, Xí nghiệp tư vấn và xây lắp điện (Công ty Điện lực Dak Lak). Hỏi ra mới biết, vì anh Bình vừa lớn tuổi nhất nhì ở trong đội, vừa có biệt tài… leo cột điện rất nhanh. Nói đến anh, là nói đến sự say mê tìm tòi và không ngừng sáng tạo trong công tác chuyên môn. Gắn bó với ngành điện từ khi mới thành lập, hơn 35 năm qua, anh đã có nhiều sáng kiến phục vụ cho chuyên môn của mình. Kết quả của bao tháng ngày tìm tòi, sáng tạo của anh đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong công việc nhưng ít ai biết tác giả của nó chính là “Bình khỉ”. Anh khiêm tốn: “Mình làm vì yêu cầu của công việc chứ chẳng có gì đáng để nói…!”.

Anh Phạm Viết Bình (người đứng) cùng đồng đội thực hiện thi công một công trình điện.
Anh Phạm Viết Bình (người đứng) cùng đồng đội thực hiện thi công một công trình điện.

Nhớ lại những ngày đầu mang ánh điện đến với bà con vùng sâu vùng xa trong tỉnh, anh nói vui: Những kỹ sư, công nhân ngành điện như anh, khó khăn, vất vả kể không xiết, nhưng cũng thật hạnh phúc khi nhìn thấy ánh sáng điện đến với bà con thay cho ngọn đèn dầu leo lét, nhiều khi khó nói thành lời... Ngày ấy, cách dây hàng chục năm, đời sống người dân nhiều xã sâu vùng xa còn nhiều khó khăn chưa hề biết đến ánh điện, anh cùng mấy anh em trong đội tự nguyện xách ba lô với đầy đủ tư trang, lương thực (chủ yếu là cá khô) vượt hơn 50 cây số đường rừng, từ Buôn Ma Thuột về huyện Dak Mil (tỉnh Dak Nông bây giờ), để tiếp nối những tháng ngày “nằm vùng”, làm nhiệm vụ dựng trụ, kéo dây, mang điện về cho thôn xóm. Lần đầu đặt chân đến vùng đất lạ, anh em trong đội đã nếm trải không biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn. “Khi ấy, làm gì có trụ bê tông như bây giờ, anh em phải vào rừng tìm chặt những cây gỗ to, chắc khuân về dựng lên làm trụ, kéo đường dây đến các hộ gia đình; lại còn phải “vật lộn” với những cơn sốt rét rừng nữa chứ…”- anh bồi hồi nhớ lại. Không ngại khổ, anh vẫn miệt mài ở lại với buôn làng cho đến khi đưa được dòng điện về thắp sáng, những kỹ sư như anh mới chịu rời buôn. “Khỏi phải nói niềm vui lẫn sự ngỡ ngàng của bà con, từ già đến trẻ, có điện thắp sáng ai cũng vui mừng...”-Anh chậm rãi kể về cái hạnh phúc lặng lẽ, bình dị của nghề, vẫn còn đầy xúc động như vừa mới hôm qua.

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của công việc cộng với tính ham học hỏi, anh Bình còn cho ra nhiều sáng kiến góp phần giải quyết những khó khăn trong quá trình thi công xây lắp các công trình điện, trong đó, đáng kể nhất là sáng kiến cải tiến máy tời kéo trụ điện. Trước thực tế, khi muốn dựng một trụ điện, công nhân trong đội phải dùng một chiếc tời móc một đầu với trụ rồi quay bằng tay, kéo lê từng chút một để di chuyển đến địa điểm thi công, vừa mất thời gian, lại tốn sức, nhất là ở những nơi địa hình hiểm trở, xe vận chuyển không vào được. Anh đã nghĩ ra việc cải tiến chiếc tời bằng cách lắp thêm một động cơ máy nổ và thay thế một vài bộ phận như: bô-ly loại lớn, giá đỡ… đã hỗ trợ việc di chuyển trụ điện nhẹ nhàng, nhanh chóng hơn, đặc biệt anh em không phải dùng lực để kéo trụ như trước đây mà tất cả đều sử dụng bằng máy móc, kể cả công đoạn dựng trụ lên cao. Anh Bình cho biết: trước đây nếu phải di chuyển một trụ điện đến điểm thi công khoảng cách 200m dùng tời quay tay phải mất cả tuần lễ mới xong, thì nay với chiếc máy cải tiến, chỉ cần 2 giờ đồng hồ là tất cả đã đâu vào đấy mà chẳng phải tốn sức nhiều.
Công việc đòi hỏi những nhân viên xây lắp như anh phải đi nhiều ngày, gắn bó với nhiều hạng mục công trình, chẳng kể ngày tháng, nắng mưa, hễ khi nào có điện về thắp sáng là khi ấy anh mới rời địa điểm thi công. 35 năm tuổi nghề, anh Bình giờ trở thành “cây kinh nghiệm” dày dặn của ngành, mỗi khi có sự cố trên công trình hay khuất mắc ở chỗ nào, anh em trong đội đều tìm đến anh để được “gỡ” rối. Nước da ngăm đen, mái đầu đã điểm nhiều sợi bạc, anh nói vui: Gần đây, anh em trong đội không gọi mình là Bình “khỉ” nữa, mà đã chuyển sang gọi là Bình “già” rồi. Tiếc vì không còn sức khỏe như trước để “lăn lộn” cùng anh em trên mỗi công trình. Biết thêm được điều gì thì mình hướng dẫn cho anh em đến nơi đến chốn, cốt sao để họ hoàn thành thật tốt công việc…”.

5 năm qua (từ 2007-2011) từ phong trào “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật” do Công ty Điện lực Dak Lak phát động hằng năm, đã có 55 sáng kiến làm lợi cho ngành hàng tỷ đồng. Riêng năm 2011 đã có 17 sáng kiến, trong đó có nhiều sáng kiến có giá trị như: “Thay đổi cách trả lương V2 theo mức độ phức tạp của công việc và hệ số thành tích cá nhân trong Công ty Điện lực Dak Lak”- tác giả: Nguyễn Đức Trọng (Công ty Điện lực Dak Lak); Thùng chở công tơ phục vụ thay công tơ định kỳ - tác giả: Bùi Xuân Kiệu (Điện lực Nam Buôn Ma Thuột); Lắp đặt dao nối đất cố định kiểu treo trên đường dây trung áp tại những vị trí chỉ có sứ đứng - tác giả: Hồ Văn Tuấn - Lê Đình Chương (Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột)… Qua đó, đã góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí, góp phần nâng cao uy tín của ngành điện, phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc