Nghị lực vượt khó của một cựu chiến binh
Năm 1995, cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Vinh cùng gia đình rời quê hương Hoàng Hóa (Thanh Hóa) đến Tây Nguyên lập nghiệp mong cuộc sống đỡ vất vả.
Xuống xe, trong túi chỉ còn vẻn vẹn 4 nghìn đồng, anh đưa vợ con vào xin ở nhờ nhà đồng hương ở Nông trường 714 (huyện Ea Kar). Hằng ngày, hai vợ chồng đi làm thuê để kiếm tiền mua gạo và lo cho 3 con đi học. Anh nhớ lại: "Đó là thời gian vô cùng khó khăn nhiều hôm, vợ con bị sốt rét không có tiền mua thuốc, tôi phải đi mua nợ sau đó đi làm công cho họ để trừ nợ;. Không đủ tiền nộp học, mua quần áo cho con, tôi cũng phải ứng trước tiền công sau đó đi làm trả nợ. Rồi không có 5 trăm đồng đi đò nên bà xã phải lội suối để về nhà, nhiều lần suýt bị nước cuốn trôi; không có tiền để mua đất nên vợ chồng vừa làm thuê, vừa tranh thủ đi tìm vùng đất phù hợp để khai hoang lập nghiệp...".
Cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Vinh bên vườn cà phê. |
Thế rồi anh Vinh đến vùng đất Ea Rớt thuộc xã Cư Pui (Krông Bông) cách chỗ ở gần 40 km, nơi chưa có ai đặt chân đến. Bốn bề hoang vu, cây cối rậm rạp nhưng đây là vùng đất bằng phẳng, gần nguồn nước, anh quyết định chọn nơi đây là điểm dừng chân. Để 3 đứa con ở lại Nông trường 714 tiếp tục học tập, hai vợ chồng anh vừa làm thuê để duy trì cuộc sống vừa khai phá, trồng trỉa trên mảnh vườn khai hoang. Lấy ngắn nuôi dài, anh chị vừa trồng các loại đậu, ngô, sắn, chăn nuôi heo, gà... vừa khai hoang, vỡ hóa, mạnh dạn đầu tư trồng cà phê, trồng cây ăn quả và trồng rừng. Đất tốt, cùng với sự cần cù, chịu khó và lòng quyết tâm đã giúp vợ chồng người cựu chiến binh vượt qua những khó khăn, gian khổ tưởng chừng không qua nổi. Từ hai bàn tay trắng, giờ đây kinh tế gia đình cựu chiến binh Nguyễn Sỹ Vinh đã ổn định, hiện tại anh đã có hơn 3 ha cà phê mỗi năm cho thu hoạch trên 4 tấn cà phê nhân, gần chục ha trồng cây ăn quả và trồng rừng chuẩn bị đến thời điểm khai thác. Tuy nhiên điều anh hãnh diện là 3 người con đã trưởng thành, cô con gái đầu học xong cấp 3 rồi xây dựng gia đình, kinh tế ổn định với vườn cà phê, cao su hơn 5 ha, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng; người con thứ hai hiện là giáo viên Trường THPT Nguyễn Thái Bình (Ea Kar) và người con út hiện đang công tác tại Trung tâm Tư vấn thiết kế công trình giao thông Dak Lak. Thôn Ea Rớt, quê hương thứ 2 của anh bây giờ đã có hơn 2 trăm hộ dân với hơn một nghìn khẩu từ các tỉnh phía Bắc vào định cư. Với uy tín của mình, anh được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Mặt trận thôn Ea Rớt.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc