Multimedia Đọc Báo in

Nữ bác sĩ tâm huyết với nghề

09:48, 13/03/2012

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Quảng Nam, nữ y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Trinh đã quyết định tạm biệt quê hương của mình để lên Dak Lak lập nghiệp với mong muốn sẽ giúp được bà con nghèo ở vùng sâu, vùng xa khám chữa bệnh thoát khỏi hiểm nghèo.

Ngày chị Trinh mới đến công tác, Trạm Y tế xã Hòa Sơn (Krông Bông) còn rất đơn sơ, đường sá thì lầy lội, điện chưa có lại càng khó khăn hơn đối với một cô gái miền xuôi lên miền ngược công tác. Chị Trinh nhớ lại: “Khi nhận việc tại Trạm Y tế xã Hòa Sơn cũng là lúc dịch bệnh sốt rét bùng phát, nên nhiều hôm tôi phải lặn lội một mình hàng chục cây số đường rừng để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân. Mới đầu thấy vất vả quá cũng nản nhưng khi bệnh nhân khỏe lại thì lòng mình cảm thấy rất vui và càng nhận ra việc mình làm có ý nghĩa”. Quan niệm đơn giản của cô y sĩ trẻ “coi bệnh nhân như là người nhà của mình thì mọi khó khăn, mình sẽ vượt qua hết” đã tạo động lực cho chị bám trụ lại miền đất lạ. Nhiều năm qua, sự cần mẫn, nhiệt tình, gần gũi với bệnh nhân và sự hiệu quả trong khám chữa bệnh của chị Trinh đã tạo nên dấu ấn trong lòng người dân xã Hòa Sơn, những bệnh nhân được chị khám và điều trị đều rất quý mến chị.

Tâm niệm rằng  cần phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là với nghề y, nên vượt qua những khó khăn trong đời thường, thu xếp công việc, y sĩ Nguyễn Thị Trinh đã quyết định học lên đại học vào năm 2004. Đến năm 2009, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, chị được cấp trên tín nhiệm và bổ nhiệm làm Trưởng Trạm Y tế xã Hòa Sơn. Với cương vị là một trưởng trạm, chị luôn chăm lo cho cán bộ y bác sĩ trong đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong những năm qua, Trạm Y tế xã Hòa Sơn luôn là lá cờ đầu của huyện trong phong trào khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Không chỉ tận tình với bệnh nhân mà với bạn bè, đồng nghiệp chị luôn giản dị và chu đáo. Chị Trần Thị Minh Hường, điều dưỡng ở trạm cho biết “Bác sĩ Nguyễn Thị Trinh rất tâm huyết và nhiệt tình đối với bệnh nhân. Đặc biệt là chị luôn gần gũi và chia sẻ với anh chị em công tác tại trạm, nhất là chị em đang gặp khó khăn trong công việc và gia đình”.

Phan Tuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.