14:41, 26/07/2012
Mang trong mình 3 mảnh đạn; làm giàu từ hai bàn tay trắng; Bí thư chi bộ tổ dân phố năng động, nhiệt tình… lời giới thiệu về người thương binh Cao Văn Bé đầy “hấp dẫn” ấy đã là cớ dẫn đường để chúng tôi tìm đến ông.
Trong ngôi nhà bề thế, khang trang cuối đường Trần Phú (TP. Buôn Ma Thuột), cùng ngồi chuyện trò và ôn lại những kỷ niệm về một thời gian khó, hình ảnh của tháng ngày đấu tranh ác liệt như ùa về trong ký ức của người cựu binh già…
|
Những giờ phút rảnh rỗi, ông Cao Văn Bé thường chăm sóc vườn hoa, cây cảnh. |
Sinh năm 1937 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi); tham gia cách mạng từ năm 1962; năm 1964 xã Tịnh Khê được giải phóng, ông được phân công làm Trung đội trưởng du kích xã; năm 1965 là Phó Công an xã; từ năm 1968 đến 1971 là Trưởng Công an xã, tham gia chiến đấu trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 và bị thương; sau đó tiếp tục công tác trong ngành Công an cho đến khi nghỉ hưu năm 1989… Chỉ vài dòng ngắn ngủi khái quát chưa thể nói lên những hiểm nguy, gian khổ mà ông đã trải qua trong thời bom đạn chưa xa. Đó là những ngày tháng sống ẩn mình trên núi, phải ăn rau rừng thay cơm; là những buổi đi tuyên truyền, xây dựng cơ sở; những trận đánh úp đồn địch… Những câu chuyện kể cứ đan xen, giữa những gian khổ là kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân…
“Thời ấy gian khổ vậy nhưng hừng hực khí thế. Tôi tuy bị thương nặng ngay phổi, nhưng xin các bác sĩ ghi bệnh án bị thương nhẹ để tiếp tục được trở lại chiến tuyến chiến đấu cùng đồng đội…”, ông kể trong nụ cười sảng khoái. Viên đạn ấy đã nằm trong cơ thể ông suốt thời gian 5 năm (từ 1968 đến 1973) mới được mổ lấy ra. Và hiện nay trong cơ thể ông vẫn còn 3 mảnh đạn nằm nơi phần mềm đã trở thành một phần thân thể, như luôn nhắc ông nhớ về thời đạn bom khói lửa, về những đồng đội đã hy sinh và sống xứng đáng với những người ngã xuống.
Còn sống, được hưởng hòa bình, độc lập là niềm hạnh phúc hơn bao người – với tâm niệm đó, sau ngày đất nước giải phóng ông trở về quê hương hăm hở bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới. Những ngày đầu đối với người thương binh Cao Văn Bé gặp muôn vàn khó khăn, những hôm trái gió, trở trời, vết thương cũ thường xuyên tái phát khiến ông phải nằm một chỗ. Tài sản duy nhất của gia đình ông lúc bấy giờ là ngôi nhà tranh vách đất, nắng thưa, mưa dột. Cơm không đủ ăn, nằm trên giường nhìn vợ và đàn con nheo nhóc mà ông thấy đắng lòng… Thế rồi sức khỏe cũng dần bình phục phần nào, ông lao vào công việc, động viên vợ con mở rộng diện tích trồng trọt, chịu khó chăn nuôi… Chẳng ngại khó, ngại khổ, không việc làm chân chính nào mà ông không làm.
Năm 1992, ông cùng gia đình chuyển vào Dak Lak và chọn phường Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) làm nơi định cư, là quê hương thứ hai của mình. Ông vẫn luôn nhớ lại thuở hàn vi ấy và sự giúp đỡ của mọi người đáng quý biết bao: Được sự quan tâm của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Buôn Ma Thuột và UBND phường Thành Công, năm 1994 ông được vay 2 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội.
“Thời ấy, 2 triệu đồng là lớn lắm. Tôi mua 400 con gà đẻ trứng về nuôi, rồi từ đó nhân dần đàn gà lên, có lúc tới 5.000 con. Sau 3 năm tôi đã trả xong cả gốc lẫn lãi cho ngân hàng. Đến nay nhà cửa đã đàng hoàng, con cái học hành đến nơi đến chốn, phương tiện sinh hoạt, đi lại cũng đầy đủ. Mấy năm gần đây, khu vực này dân cư đông đúc, nên tôi đã bàn với gia đình không chăn nuôi nữa, để bảo đảm vệ sinh môi trường. Mình là cán bộ mà, phải đi đầu, thì nói bà con mới nghe theo chứ…”, niềm vui hiện rõ trên gương mặt ông khi kể về những điều này.
Có lẽ với phương châm “làm trước, nói sau”, “gương mẫu đi đầu” nên ông rất được dân tin, dân quý. Từng kinh qua rất nhiều cương vị: khối trưởng, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ… toàn những “chức vụ” sát dân, gần dân nhưng việc gì khó đến tay ông thì cứ “chạy ro ro”. Những lần ông cùng cán bộ tổ, khối vận động nhân dân hiến đất mở rộng đường, đóng góp tiền xây dựng các công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm… đều hoàn thành xuất sắc bởi sự minh bạch, công khai, dân chủ và hiểu thấu đáo lòng dân. Và với ông, được cống hiến sức mình cho xã hội là điều hạnh phúc.
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc