Multimedia Đọc Báo in

Một cán bộ phụ nữ tâm huyết, nhiệt tình với công tác dân số

08:15, 24/07/2012

Chị Nguyễn Thị Truyện tham gia công tác dân số từ năm 1996. Khi đó, ở thôn 9 xã Ea Đar (huyện Ea Kar) hội tụ những gia đình di cư từ miền Bắc vào lập nghiệp. Nhiều cặp vợ chồng sống xa quê hương, xa anh em, họ hàng nên có suy nghĩ phải sinh đông con cho vui cửa vui nhà, để có lao động sau này làm việc…Vì thế, mỗi gia đình có 4, 5 đứa con; trẻ em thiếu ăn, thất học là điều thường thấy.

Chị Truyện tham gia Hội thi tuyên truyền viên dân số huyện Ea Kar.
Chị Truyện tham gia Hội thi tuyên truyền viên dân số huyện Ea Kar.

Thời gian mới làm cộng tác viên dân số thôn 9, chị Truyện còn bối rối và gặp nhiều khó khăn  trong công tác tuyên truyền, tư vấn người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ý thức được trách nhiệm của mình, chị chịu khó tìm tòi, học hỏi qua tài liệu, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do cấp trên tổ chức, đúc rút kinh nghiệm của đồng nghiệp và trau dồi bản thân… để tìm ra biện pháp tuyên truyền chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình đến người dân trong thôn một cách hiệu quả nhất. Thông qua các buổi họp thôn, họp các đoàn thể, chị Truyện chủ động phối hợp, lồng ghép tuyên truyền về Luật hôn nhân và gia đình; cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi lứa tuổi, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và các bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục, cách chăm sóc phụ nữ mang thai, chế độ dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi... Hằng năm, hưởng ứng Chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, chị Truyện tích cực vận động và đưa đối tượng lên Trạm Y tế xã để đăng ký thực hiện các gói dịch vụ có lợi. Không những vậy, sau khi thu xếp công việc nhà chu đáo, chị Truyện kiên trì với phương châm “đi ban ngày không gặp, tranh thủ đi ban đêm” thăm hộ gia đình, gặp gỡ để chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của đối tượng; trực tiếp tư vấn các biện pháp tránh thai hiện đại và cung cấp các phương tiện tránh thai cho đối tượng có nhu cầu. Trong thôn có một số gia đình đã sinh 2 con nhưng sinh con một bề, chị đến nhà phân tích lợi ích của chính sách sinh 1 hoặc 2 con, giúp đối tượng hiểu và không còn suy nghĩ sinh con thứ 3. 

Chị Truyện tâm sự, biết làm công tác dân số là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng chị vẫn làm bởi chị mong muốn người dân trong thôn sinh ít để có điều kiện phát triển kinh tế, chăm lo con cái. Nhờ sự gần gũi với hàng xóm, láng giềng, quản lý tốt và nắm chắc từng hộ gia đình nên chị Truyện đã làm thay đổi ý thức sinh con của người dân thôn 9: từ chỗ thích sinh đông con, nay mỗi cặp vợ chồng trong thôn chỉ sinh 2 đứa con, chú trọng đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Thôn 9 hiện có 118 phụ nữ có chồng thì đã có 108  chị sử dụng các biện pháp tránh thai (đạt tỷ lệ 91,5%); trong đó, có 68 trường hợp đặt vòng tránh thai, 20 ca áp dụng phương pháp đình sản... Từ năm 2009 đến nay, thôn không còn trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Đời sống vật chất và tinh thần người dân từng bước được nâng lên: hơn 70% số hộ khá, giàu, 92% hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.

Ngoài nhiệm vụ cộng tác viên dân số, chị Truyện còn kiêm nhiệm Chi hội trưởng chi hội phụ nữ, làm công tác phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Chị đã phối hợp với Hội Phụ nữ xã Ea Đar xây dựng được mô hình gia đình hội viên chuẩn mực, thu hút 25 cặp vợ chồng tham gia; xây dựng mô hình mẹ hiền dâu thảo, thu hút 20 cặp vợ chồng tham gia. Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia các buổi tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các buổi hội thảo, các cuộc thi do Hội Phụ nữ và ngành dân số tổ chức. 16 năm gắn bó với công tác dân số và công tác phụ nữ, với những thành tích của mình, chị Truyện đã có 7 lần được nhận Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, 5 lần nhận giấy khen về công tác dân số và kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân số”.

 Võ Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.