Multimedia Đọc Báo in

Chàng thanh niên có tấm lòng nhân ái

11:10, 26/06/2013

Anh Mai Tiến Hùng, chủ một cơ sở kinh doanh tại TP. Buôn Ma Thuột, không chỉ là người đã nhiều lần hiến máu mà còn rất nhiệt tình, tích cực vận động người khác cùng tham gia hiến máu nhân đạo.

Anh Mai Tiến Hùng đang hiến máu tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.
Anh Mai Tiến Hùng đang hiến máu tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh.

Trước đây công tác vận động hiến máu còn gặp nhiều khó khăn, ít nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng do chưa thực sự phổ biến, nhận thức của mọi người về việc hiến máu cũng còn hạn chế và mọi vấn đề đều được Bệnh viện Đa khoa tỉnh phối hợp cùng Thành Đoàn trực tiếp quản lý. Trong thời gian đó, chàng sinh viên Mai Tiến Hùng của Trường Đại học Văn Lang còn khá trẻ nên rất hăng say trong phong trào của trường, lớp. Có đợt Đoàn trường tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện, anh và một vài người bạn ở lớp đã xung phong tham gia. Sau lần hiến máu đầu tiên ấy, Hùng thấy thích thú với hoạt động này và trở thành thành viên rất tích cực của Câu lạc bộ học sinh - sinh viên vận động hiến máu tình nguyện; là gương mặt tiêu biểu của phong trào hiến máu nhân đạo. Anh tâm sự: “Lúc đầu tôi tham gia cũng chỉ là tò mò, ham thích một hoạt động xã hội mới lạ; rồi dần dần hóa say mê lúc nào không biết. Càng về sau tôi càng nhận thức được rằng, hiến máu cứu người không chỉ là một việc làm đơn thuần mà còn là trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng. Tôi muốn được góp một phần nhỏ bé đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ, cứu người bằng chính những giọt máu của mình…”.

Ra trường anh ra làm Trợ lý giám đốc của Công ty gỗ Trường Thành tại TP. Buôn Ma Thuột. Ở đây anh vừa thực hiện tốt công việc của mình vẫn tiếp tục gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện. Anh đã tích cực vận động mọi người ở Công ty cùng nhau tham gia hiến máu nhân đạo để phát triển nguồn người hiến máu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, góp phần cứu giúp mạng sống của người cần truyền máu. Sau này, khi đã nghỉ làm ở Công ty, gia đình anh chuyển sang hoạt động kinh doanh, nhưng anh vẫn tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào hiến máu tình nguyện. Đến nay anh đã 20 lần trực tiếp hiến máu (trung bình 250ml/lần).

Ngoài việc tham gia vào “Ngân hàng máu sống” của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, anh còn vận động được hơn 20 người khác cùng tham gia. Đây là những người sẵn sàng hiến máu trực tiếp bất cứ lúc nào khi có nhu cầu cấp bách. Bên cạnh đó anh còn tham gia công tác từ thiện và thường xuyên tài trợ, gắn bó với một số địa chỉ nhân đạo. Các địa chỉ như: Chùa Bửu Thắng (thị xã Buôn Hồ) là nơi cưu mang hơn 200 trẻ em mồ côi cha mẹ, người già neo đơn không nơi nương tựa…; hay bếp ăn tình thương của Bệnh viện Lao và bệnh phổi… là những nơi anh thường xuyên tài trợ tiền, cấp gạo và một số dụng cụ cần thiết phục vụ cho đời sống của những hoàn cảnh neo đơn, bệnh nhân nghèo…

Không chỉ riêng bản thân anh, mà gia đình anh cũng có nhận thức tích cực về phong trào hiến máu cứu người và hoạt động nhân đạo. Vợ của anh đã 2 lần tham gia hiến máu tình nguyện, các con anh thì nuôi heo đất để mỗi khi đến dịp tết, lễ lại cùng cha mẹ trực tiếp trao số tiền cho người khó khăn, góp một phần nhỏ bé trong hoạt động xã hội.

Với những đóng góp không nhỏ, anh đã vinh dự đại diện người hiến máu tiêu biểu của tỉnh Dak Lak tham dự lễ tôn vinh người hiến máu nhiều lần vừa được tổ chức tại Hà Nội. Mặc dù là người có thành tích đáng nể trong phong trào vận động và hiến máu tình nguyện cũng như các hoạt động nhân đạo, nhưng anh rất khiêm tốn, chỉ âm thầm cống hiến, đóng góp công sức của mình để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, khó khăn. Ngoài giấy chứng nhận, bằng khen, giấy khen được trao tặng thì phần thưởng lớn nhất đối với anh đó là cuộc sống, là nụ cười của những người được cứu sống từ chính những giọt máu, những đóng góp nhỏ bé của mình…

H'Bát Êban


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.