Hơn hai mươi năm lặng lẽ chăm sóc mộ liệt sĩ
Sinh ra và lớn lên ở phường Sơn Phong, TP. Hội An (Quảng Nam), năm 1976 ông Trần Bá Khương nhập ngũ vào quân đội tham gia ở chiến trường biên giới phía Bắc. Tháng 6-1982, ông phục viên về địa phương làm việc ở Phòng Tài chính TP. Hội An. Sau đó, ông lặng lẽ thu xếp hành trang, đi xây dựng quê hương mới ở thôn 6, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông). Cũng như bao nhiêu người nông dân khác, ông gia nhập vào HTX tham gia lao động sản xuất và nhiệt tình trong các phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, trở thành Bí thư Chi đoàn thôn.
Lòng thành thắp nén hương thơm cho liệt sĩ. |
Năm 1986 ông lập gia đình; đến năm 1990 ông chuyển ra ở riêng. Trong khu gia cư nơi ông ở có một ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, do HTX khi xây dựng nhà kho phát hiện di dời đến. Mặc dù đó chỉ là ngôi mộ đất, không phải là họ hàng thân thích, lại tọa lạc ngay trước nhà, nhưng với tình cảm của người lính Cụ Hồ, để cho đồng đội có mồ yên mả đẹp, gia đình ông đã lặng lẽ bỏ tiền xây dựng ngôi mộ khang trang, hằng ngày hương khói xem như đó là người thân của mình. Điều đáng nói, ngoài việc hương khói thường xuyên, theo lời báo mộng của liệt sĩ, hằng năm vào ngày 12-7 âm lịch, gia đình ông đều sắm sửa lễ vật làm giỗ cho liệt sĩ.
Vào một buổi sáng tháng 5-2005, khi về lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội, sau khi đến nơi quan sát địa hình, những người trong đoàn Cựu chiến binh huyện Krông Pak cho biết: Trong trận phục kích chống càn năm 1973, đơn vị có 1 đồng chí hy sinh không kịp chôn cất, chỉ quấn vội trong tấm ni lông vùi dưới gốc cây kơ nia (cách ngôi mộ hiện tại khoảng 100m); sau đó đơn vị tiếp tục lên đường chiến đấu. Người liệt sĩ ấy cũng rất đặc biệt, vì muốn được cầm súng trực tiếp chiến đấu, nhưng chưa đủ tuổi nhập ngũ, nên đã lấy giấy tờ của người anh ruột là Trịnh Ngọc Xương để vào bộ đội; thật ra tên của ông là Trịnh Ngọc Khương. Qua mô tả vị trí chôn cất và hiện vật khi di dời, mọi người xác định ngôi mộ ông Trần Bá Khương đang chăm sóc chính là phần mộ của liệt sĩ Trịnh Ngọc Xương (hay còn gọi là Trịnh Ngọc Khương). Mọi người càng thêm bùi ngùi, xúc động khi biết trong số người đi tìm hài cốt có ông Trịnh Ngọc Hải đang công tác tại TAND huyện Krông Pak là em ruột của liệt sĩ.
Trong suốt 15 năm lặng lẽ chăm sóc mộ, gia đình ông Khương chỉ có đau đáu một điều là chưa biết tên liệt sĩ, kể từ giây phút kỳ diệu ấy, tên của người liệt sĩ Trịnh Ngọc Xương đã được xướng lên trong những ngày cúng, giỗ. Ông Khương tâm sự: “Bản thân là người lính, đã từng chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, có những người hiện nay vẫn còn nằm lại nơi chiến trường xưa chưa tìm được hài cốt nên việc gia đình ông bỏ tiền xây mộ, ngày ngày hương khói cho liệt sĩ cũng là thể hiện tấm lòng thành của người còn sống đối với người đã hy sinh. Đây là điều phù hợp với đạo lý và nên làm…”
Sau khi tìm được mộ của người thân, gia đình ông Trịnh Ngọc Hải rất muốn quy tập hài cốt của người anh về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Krông Pak để tiện việc đi lại thăm viếng. Song trước nghĩa cử cao đẹp và sự tận tình chăm sóc vô điều kiện của gia đình ông Trần Bá Khương, cũng như thực hiện nguyện vọng của liệt sĩ trong giấc mộng, nên gia đình ông Hải đã gửi lại phần mộ cho gia đình ông Khương tiếp tục trông nom hương khói. Những ngày giỗ chạp hoặc có dịp về Hòa Phong, mọi người trong gia đình ông Hải luôn ghé lại thắp hương cho liệt sĩ và đã trở thành người thân của gia đình ông Khương.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc