Multimedia Đọc Báo in

Bà trưởng thôn hết lòng vì cộng đồng

21:38, 25/09/2013

Trưởng thôn Bình Lợi (xã Cư M'lan, huyện Ea Súp) Bàn Diệu An Kỳ vốn đã ít nhiều có tiếng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có tờ báo đã ví bà  như "bà chúa" của một "ốc đảo" giữa rừng xanh. Thế nhưng có lẽ ít ai biết được những hành động hết lòng vì cộng đồng của người trưởng thôn này.

Bà An Kỳ đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình.
Bà An Kỳ đang chăm sóc vườn tiêu của gia đình.


Gặp bà An Kỳ vào một ngày đầu thu, ấn tượng đầu tiên về người phụ nữ 49 tuổi này là sự từng trải, thông minh, nhanh nhẹn, biết nhiều chuyện. Trong căn nhà gỗ đơn sơ ở giữa làng, bà trưởng thôn tỏ ra xởi lởi và đon đả, giọng ngọt, tíu tít, toát lên sự gần gũi với mọi người ngay lần đầu gặp mặt. Làng của "bà chúa" Bàn Diệu An Kỳ được người dân ở thị trấn Ea Súp gọi bằng nhiều cách khác nhau: Làng Bà Kỳ (vì bà Kỳ là trưởng làng), làng Đất Đỏ (vì làng ở trên vùng đất đỏ duy nhất của huyện Ea Súp), làng 265 (vì làng nằm trong tiểu khu rừng 265 thuộc Công ty Lâm nghiệp Cư M’lan). Ngoài ra, làng từng có tên là làng Bốn Không (vì làng không có trường học, không có bệnh xá, không có đường đi - chỉ đi theo lối mòn - không có điện thắp sáng). Ở cái vùng đất "khỉ ho cò gáy" ấy, mãi đến năm 2008 mới có bộ máy chính quyền. Thôn Bình Lợi ra đời thuộc xã Cư M'lan và bà An Kỳ được bầu làm trưởng thôn; đến năm 2010 bà được bầu vào Hội đồng Nhân dân xã Cư M’lan. Ở cái làng này, bà nổi tiếng không chỉ vì bà là một trong những người đầu tiên đặt chân đến đây mà vì những hành động vì cộng đồng của bà. Không phải là người giàu có cho lắm, nhưng bà luôn trải tấm lòng mình với những gia đình khó khăn, những người mới đến đây lập nghiệp. Bà Kỳ cho hay, ai trong làng gặp khó khăn đều tìm đến gặp bà. Nhà bà có hơn 10 ha đất, nhưng “cho” người làng làm hết, gia đình chỉ giữ lại hơn 1 ha để sản xuất. Trong thôn hễ có ai làm nhà mới, bà đều mua lại căn nhà cũ của họ. Các con bà cho thế là “gàn”, nhưng bà cứ mua, dỡ về để trong vườn, thế rồi hễ cứ có người mới đến lập nghiệp chưa có nhà ở, bà lại bảo họ đến mang về dựng lên để có cái “chui ra chui vào”. Không chỉ hỗ trợ về vật chất, tất cả những khúc mắc, những va chạm của người dân trong làng đều do một tay bà giải quyết hết. Bà bảo, ở cái thôn này cũng có phó trưởng thôn, cũng có công an thôn, nhưng người ta ngại va chạm nên “thượng vàng hạ cám” đều đến tay bà. Mà cũng bởi cái tính xởi lởi, thẳng thắn ấy mà bà được nhiều người thương, nhưng cũng khiến không ít kẻ ganh ghét. Thế là có lúc trong vườn bà trồng cây gì là bị nhổ cây ấy. Với một người sắc sảo như bà, ai nhổ, ai phá bà đều biết, nhưng bà không làm to chuyện bao giờ. Bà tâm sự: “Tất cả đều do cuộc sống, hoàn cảnh tạo ra. Họ nhổ cây của mình thì mình trồng lại. Hai lần, ba lần mình vẫn trồng lại rồi khuyên nhủ từ từ”. Chính sự nhún nhường ấy của bà lại khiến những kẻ hay quậy phá quay lại giúp bà nhiều việc hơn.

Với cương vị là thành viên Hội đồng Nhân dân xã, người nói tiếng nói của người dân trong thôn, bà đã rất nhiều lần mang những kiến nghị về cuộc sống khó khăn của bà con nơi đây đến các cấp chính quyền. Trước đây khi chưa có đường vào thôn, mỗi lần ra xã họp bà đều phải đi bộ. Muốn dự họp buổi sáng nay thì sáng hôm trước bà đã phải đi bộ ra trung tâm xã, ở lại một đêm để đến sáng dự họp. Thế nhưng quãng đường đất lầy lội hơn 25 km không làm bà nản chí mà điều bà nặng lòng nhất là đến nay dù trên danh nghĩa là một thôn của xã Cư M’lan, nhưng tất cả người dân trong thôn đều chưa có hộ khẩu, nhiều người còn không thể làm được Giấy Chứng minh nhân dân. Ngay bản thân bà An Kỳ cũng không có những loại giấy tờ thiết thân này. Bà An Kỳ cho biết, bà đã rất nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đều nhận được câu trả lời là do…thôn chưa có trong quy hoạch nên không thể cấp giấy tờ được…

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc