Một gia đình có 3 thế hệ làm nghề “trồng người”
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, thân sinh của ông là một cựu giáo chức, ngay từ nhỏ 4 anh em ông thường xuyên được sự chỉ dạy của cha và luôn có ước mơ được đứng trên bục giảng để truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, nên sau khi học xong THPT, hai anh trai của ông đã nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, ông là người duy nhất trong gia đình có cơ hội thi vào ngành Sư phạm để thực hiện hoài bão của mình và nối nghiệp người cha.
Thầy giáo Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui. |
Sau khi tốt nghiệp ra trường, ông được điều động đến công tác ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông). Những ngày đầu công tác với nhiều thiếu thốn, sống xa gia đình, tất cả chi phí cho sinh hoạt chỉ trông vào đồng lương ít ỏi, thêm vào đó lại bị những cơn sốt rét hành hạ…, có những lúc ông tưởng chừng mình không vượt qua nổi. Vợ ông, cô giáo Mai Thị Trang vừa là đồng nghiệp, vừa là đồng hương, đã “đồng cam cộng khổ” với ông trong suốt những ngày khốn khó nhất. Để yên tâm sống được với nghề, ngoài thời gian lên lớp, gia đình ông phải tích cực tăng gia sản xuất, chăn nuôi cải thiện cuộc sống. Khó khăn thiếu thốn là thế, nhưng “tất cả vì đàn em thân yêu”, ông quyết tâm bám trụ cho đến ngày hôm nay. Năm tháng qua đi, nhiều thế hệ học trò của ông giờ đã thành đạt và có địa vị trong xã hội, còn ông vẫn ngày ngày hai buổi lặng lẽ vượt hơn chục cây số đến nơi vùng sâu, vùng xa “gieo chữ”… Ông đã có 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua và được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục; gia đình ông được công nhận gia đình hiếu học của xã.
Phát huy truyền thống của gia đình, 3 người con của ông đều đã tốt nghiệp đại học; trong đó cô con gái lớn Nguyễn Thị Minh Thu hiện là giáo viên Trường THCS Diên Hồng (quận 10, TP. Hồ Chí Minh); ngoài ra 4 người cháu trong dòng họ của ông cũng đi theo sự nghiệp “trồng người”.
Mai Viết Tăng
Ý kiến bạn đọc