Multimedia Đọc Báo in

Vượt khó nuôi anh ăn học

18:22, 03/08/2014
Chàng thanh niên Vũ Văn Chấp sinh ra trong một gia đình nghèo làm nông ở thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực (Nam Định). Năm Chấp lên 7 tuổi, mẹ bỏ đi, bố buồn chuyện nhà nên chìm trong men rượu, cảnh nhà buồn hiu hắt đè nặng lên cuộc sống của anh em Chấp.

Ba năm sau, khi đau buồn tạm lắng xuống thì cũng là lúc phát hiện bố Chấp mắc bệnh thận. Bán hết tài sản trong nhà, vay mượn thêm hàng xóm, bạn bè, Chấp và anh trai đưa bố ra Hà Nội chữa bệnh song bố Chấp không qua khỏi và mất sau đó ít lâu. Khi đó, anh trai đang học lớp 8 còn Chấp học lớp 6, cả hai đều rất ham học. Bố mất đi, anh em Chấp thành bơ vơ, phải đối mặt với gánh nặng mưu sinh. Chấp quyết định nghỉ học, nhường cho anh đến trường với lý do: “Anh học giỏi hơn, anh phải học. Em sẽ đi làm lấy tiền đóng học phí cho anh”.

Anh Vũ Văn Chấp đang cân phế liệu cho người thu mua gom.
Anh Vũ Văn Chấp đang cân phế liệu cho người thu mua gom.

Từ đó, cậu bé 12 tuổi bắt đầu bươn chải với đủ công việc để kiếm sống. Thương tình, mọi người xung quanh có việc gì cần đều gọi cậu, từ chăn trâu, phơi lúa, nấu cám lợn, cắt cỏ cho bò… Anh trai của Chấp cũng vừa một buổi đi học một buổi đi làm. Bữa cơm hằng ngày của hai anh em chỉ toàn cà muối, rau luộc, lâu lâu có thêm vài con cá kho mặn. Thiếu thốn, vất vả nhưng hai anh em luôn động viên nhau cố gắng. Năm 15 tuổi, Chấp làm thợ sửa xe máy, xe đạp rồi chuyển sang sửa chữa điện, nước, bán vé số, phụ hồ... Gần như không có việc nặng nhọc nào cậu không làm. Khi người anh trai thi đỗ vào Trường Cao đẳng kinh tế thương mại Hà Nội (nay là Đại học Thương mại Hà Nội), nỗi lo tiền bạc càng lớn. Không thể làm mãi những công việc này, năm 2008, Chấp vào Dak Lak tìm việc với mong muốn làm có tiền để giúp anh trai tiếp tục việc học và thay đổi số phận.

Đến Dak Lak, Chấp làm thuê tại một cơ sở kinh doanh phế liệu của người quen ở TP. Buôn Ma Thuột. Siêng năng, chịu khó lại hiền lành, Chấp được chủ tiệm tin tưởng giao nhiều việc và tăng lương. Đều đặn mỗi tháng, Chấp chỉ dành một ít tiền lương để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi hết cho anh trai trang trải chi phí học tập. Sau một năm làm thuê, Chấp thông thạo buôn bán, nhớ giá cả, cách phân loại các mặt hàng nhôm nhựa. Nhận thấy nghề này tuy vất vả nhưng đủ sống, Chấp quyết định mở một cơ sở kinh doanh phế liệu của mình. Chấp được chủ tiệm đang làm ủng hộ và cho vay 150 triệu đồng làm vốn khởi nghiệp. Cơ sở kinh doanh của Chấp ở số 42 Giải Phóng, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) hiện mang lại cho cậu nguồn thu nhập khá ổn định với hơn chục triệu đồng mỗi tháng. Chấp không những đủ sức giúp anh trai hoàn thành việc học mà còn trả hết nợ và tiếp tục tích lũy cho những dự định của riêng mình. Anh trai của Chấp hiện đã tốt nghiệp cao đẳng và có việc làm ổn định.

Nhờ nghị lực kiên cường, ý chí vươn lên, Chấp đã vượt qua hai chữ “số phận”. Hai mươi ba tuổi người ta mới chập chững vào đời còn anh đã là “ông chủ”.

Lê Hà


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.