Nhạc sĩ của tuổi thơ
Tốt nghiệp Đại học Huế chuyên ngành Ngữ văn nhưng lại bén duyên âm nhạc với nhiều tác phẩm nổi tiếng mang đậm âm hưởng dân ca Tây Nguyên, nhất là những sáng tác cho thiếu nhi, đó là thầy giáo, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn.
Những ngày đầu mới về công tác tại Trường Trung cấp Sư phạm Đắk Lắk, thầy Sơn đã xác định rằng nhiệm vụ người thầy ở đây không chỉ giản đơn là việc truyền thụ những tri thức khoa học mà còn phải rèn cho giáo sinh về những kỹ năng, phương pháp sư phạm, nhân cách người thầy và nuôi dưỡng tình yêu thương với con trẻ. Từ những bỡ ngỡ ban đầu của chàng trai xứ Quảng (gốc Huế) đặt chân lên phố núi, thầy đã dần có được những trải nghiệm mới trong cuộc sống, lắng nghe được nhiều cung bậc cảm xúc xung quanh mình, để yêu thương, để thấu hiểu...Từ đó khơi nguồn cho cảm hứng sáng tác nhạc phẩm đầu tay mang tựa đề “Bài ca người gieo hạt”. Cho đến nay tác phẩm vẫn là một trong những ca khúc được các thế hệ giáo viên, giáo sinh yêu thích.
Thầy giáo, nhạc sĩ Huỳnh Ngọc La Sơn với những khán giả đầu tiên thẩm định âm nhạc của mình (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Khi chuyển về công tác tại Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, những đôi mắt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên, tâm hồn trong sáng của các em nhỏ đã tiếp tục khơi mạch nguồn cảm xúc cho dòng suối âm nhạc, chắp cánh cho sự thăng hoa nghệ thuật để trong khoảng thời gian chỉ hơn 10 năm thầy đã sáng tác được hơn 60 bài hát, xuất bản các tập ca khúc thiếu nhi “Trăng ơi có nghe”, “Hạt mưa rơi”…
Thành công lớn nhất của người nhạc sĩ là sự đón nhận của công chúng. Khi sáng tác những ca khúc cho thiếu nhi, thầy Sơn luôn xác định các em vừa là đối tượng phục vụ vừa là những khán giả thẩm định tác phẩm âm nhạc của mình. Mỗi khi sáng tác được bài hát mới, thầy lại đem đến cho các em thiếu nhi hát thử trước vì thầy biết chỉ có các em là tấm gương soi rõ nhất giúp thầy biết được chất lượng của bài hát. Nhờ những góp ý chân thật của các em mà thầy có thể hoàn thiện được các tác phẩm, tích lũy được những kinh nghiệm quý báu cho công việc sáng tác âm nhạc của mình. Bằng những ca từ đơn giản, giai điệu nhẹ nhàng, thầy đã dùng nốt nhạc giúp các em tự kể những câu chuyện về con người, cảnh vật, cuộc sống tươi đẹp đang diễn ra hàng ngày. Vậy nên những bài hát như “Gọi nắng về chơi”, “Chim ơi bay đi”… được các em đặc biệt yêu thích.
Sự lao động miệt mài đã mang đến cho thầy nhiều niềm vui. Năm 2004, thầy trở thành Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2006 trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi với chủ đề “Giai điệu tuổi thần tiên” do Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp thực hiện, ca khúc “Hạt mưa kể chuyện” của thầy đã vượt qua gần một nghìn ca khúc dự thi để nhận được giải Nhì (không có giải Nhất).
Cùng với sáng tác, thầy còn trăn trở tìm cách mang những âm hưởng tuyệt vời của làn điệu dân ca Tây Nguyên thổi vào tâm hồn trẻ thơ để hình thành trong tâm thức các em tình yêu quê hương xứ sở. Thầy đã dồn tâm sức cho việc sưu tầm, biên soạn các bài hát dân ca Tây nguyên dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, viết những câu chuyện âm nhạc giới thiệu về các loại nhạc cụ dân gian Tây nguyên, về các nghệ nhân, ca sĩ, nhạc sĩ đã có đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển kho tàng dân ca Tây nguyên. Những kết quả nghiên cứu của thầy đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Đắk Lắk tuyển chọn và xuất bản thành tập tài liệu “Những bài hát địa phương”; được Bộ GD&ĐT tuyển chọn và xuất bản thành tài liệu “Làn điệu dân ca Tây nguyên”. Đây là những tài liệu rất hữu ích để các thầy cô giáo dạy môn âm nhạc trong tỉnh tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho các tiết dạy về âm nhạc địa phương.
Trong thời gian chuyển về công tác tại Văn phòng Sở GD&ĐT, ngoài việc phụ trách về mảng truyền thông, thầy còn tham gia phụ trách hoạt động văn nghệ của ngành. Thầy đã tích cực xây dựng chương trình, biên đạo, tổ chức, hướng dẫn tập luyện để các đoàn học sinh Đắk Lắk tham dự và đoạt giải cao trong Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” toàn quốc dành cho học sinh THPT các năm học 2012-2013, 2014-2015.
Bên cạnh niềm đam mê với âm nhạc, thầy giáo La Sơn rất tâm huyết với việc nuôi dưỡng tâm hồn văn học và thi ca cho các em nhỏ. Mặc dù không công tác ở trường học nhưng thầy luôn được mời tham gia giảng dạy các lớp như: Lớp bồi dưỡng tài năng cho Đội tuyên truyền Măng non của Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh, lớp học sinh năng khiếu, lớp bồi dưỡng học sinh giỏi văn ở các trường học và các đội tuyển của tỉnh. Thầy cũng đã biên tập và dàn dựng nhiều chương trình ca nhạc thiếu nhi của Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk, Đài Truyền hình Việt Nam…
Gần 40 năm công tác, dù ở lĩnh vực nào thầy giáo La Sơn cũng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mùa hè này, đã đến lúc nghỉ hưu, thầy vẫn tiếp tục tham gia viết “Tài liệu dạy-học âm nhạc địa phương tỉnh Đắk Lắk”, tiếp tục được mời giảng dạy cho các lớp năng khiếu văn học, năng khiếu âm nhạc cho thiếu nhi… Với nhiệt huyết, đam mê của một người thầy, người nhạc sĩ, thầy sẽ tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp trồng người, cũng như cho công tác bảo tồn và phát triển kho tàng văn hóa dân gian Tây nguyên
Hoa Ngọc
Ý kiến bạn đọc