Multimedia Đọc Báo in

Cần tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ cho người dân nông thôn

10:47, 13/09/2010

Hiện nay, số lượng mô tô, xe gắn máy trên địa bàn nông thôn  ngày càng gia tăng trong khi nhiều người điều khiển xe lại thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ  khi tham gia giao thông. Trên những con đường liên thôn, liên xã dễ thấy cảnh người dân điều khiển mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định, chuyển hướng đột ngột không có tín hiệu, chạy quá tốc độ...  Trong số đó có nhiều người không có giấy phép lái xe, đăng ký xe. Nguy hiểm hơn, do sự thiếu hiểu biết nên người dân coi thường luật, họ dường như chỉ quen với cái lệ xưa nay “đường ta, ta cứ đi” chẳng màng gì đến người xung quanh, không cần biết tới những mối nguy đang tiềm ẩn khi tham gia giao thông.

“Đường làng ngày càng đẹp thì tai nạn lại nhiều hơn”, nhận xét này thoạt nghe có vẻ nghịch lý nhưng lại là điều có thật. Những năm gần đây, hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến đường giao thông nông thôn mới chỉ chú ý đến việc cứng hóa chứ chưa được chú trọng đến việc bảo đảm an toàn. Đường giao thông nông thôn thường hẹp, nhiều đường ngang, ngõ tắt, lại có nhiều hoạt động dân sinh diễn ra, nhưng trên các tuyến đường liên thôn, liên xã lại không biển báo giao thông hay bảng quy định tốc độ nên các “tài xế” trẻ tha hồ phóng nhanh trên những con đường làng bằng phẳng.

Tình trạng chở quá số người quy định khi tham gia giao thông vẫn đang khá phổ biến ở vùng nông thôn (ảnh minh họa).
Tình trạng chở quá số người quy định khi tham gia giao thông vẫn đang khá phổ biến ở vùng nông thôn (ảnh minh họa).

Mặt khác, những vi phạm về Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn thôn, buôn hầu như không bị xử lý, khiến người dân “nhờn luật”, rồi dần trở thành thói quen.  Họ chỉ chấp hành Luật khi tham gia giao thông trên những tuyến tỉnh lộ quốc lộ, nơi có lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, còn trong các con đường làng, ngõ xóm, Luật Giao thông đường bộ dường như không có tác dụng. Điều này đã góp phần làm gia tăng tai nạn giao thông ở các tuyến đường nông thôn. Có thể nói, xảy ra tình trạng trên có nguyên nhân công an cấp xã - lực lượng trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông ở các vùng nông thôn chưa thực sự phát huy hết vai trò của mình bởi nhiều yếu tố như: khi xử phạt còn mang tâm lý nể nang làng xóm; thiếu phương tiện, nghiệp vụ, trình độ hạn chế, chế tài chưa đủ mạnh để buộc người dân tuân theo. Lực lượng cảnh sát giao thông cấp huyện, cấp tỉnh lại không đủ người đóng chốt ở khắp các xã, nếu có đi tuần tra, kiểm soát thì cũng không được thường xuyên và liên tục do địa bàn rộng.

Hiện nay, hầu hết người dân khi chấp hành Luật  Giao thông đường bộ vẫn còn mang tâm lý đối phó với cơ quan chức năng, chứ chưa thực sự xuất phát từ ý thức về sự an toàn tính mạng của bản thân và người khác khi tham gia giao thông nên họ sẵn sàng “lách luật” nếu có cơ hội. Rõ ràng Luật chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi nó tồn tại, “bén rễ” trong nhận thức của người dân,  phải làm cho người dân ý thức được rằng thực thi luật là vì lợi ích của chính mình. Muốn làm được điều đó, cần có sự chung tay của các ban, ngành chức năng và cả cộng đồng xã hộ, tổ chức những lớp học, những buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ cho người dân. Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò tuần tra, kiểm soát của lực lượng công an xã, thành lập riêng một đội chuyên phụ trách việc bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thôn, buôn. Luật cần phải thực hiện nghiêm, mạnh hơn nữa đối với những hành vi vi phạm của người dân; gắn các biển báo giao thông tại những điểm nút giao thông, nơi có đường giao cắt, chợ hay trường học ở khu vực nông thôn...

 

Bá Thăng

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.