Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm An toàn giao thông đường thủy nội địa mùa mưa bão: Cần tăng cường các giải pháp đồng bộ

22:31, 31/10/2010

Tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa ở Dak Lak những năm qua diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa bão luôn tiềm ẩn những tai nạn bất ngờ. Vì vậy, công tác bảo đảm ATGT đường thủy nội địa đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Nỗi lo... mùa mưa bão
Dak Lak hiện có 220 km đường thủy nội địa (huyện Krông Bông 70 km, Krông Ana 70 km, Lak 40 km, Buôn Đôn 40 km…) trên lưu vực 3 con sông chính là Krông Ana, Sêrêpôk và Krông Nô. Các sông ở Dak Lak có đặc thù mực nước lớn, độ dốc cao, nhiều luồng lạch và luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Tỉnh ta hiện có 9 bến đò (2 bến đò dọc và 7 bến đò ngang) đang hoạt động, chủ yếu dùng để chở hàng hóa và người (đa số đều tự phát và hoạt động từ nhiều năm nay). Toàn tỉnh hiện có 834 phương tiện thủy đang hoạt động trên sông, hồ (204 phương tiện có động cơ, 630 phương tiện không có động cơ); trong số 208 phương tiện thì chỉ có 155 phương tiện được cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm và trong số 807 người thuộc diện phải học bằng lái, cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện (105 người cần cấp bằng thuyền trưởng, 175 người cần chứng chỉ điều khiển phương tiện thủy và 452 người cần học Luật Giao thông đường thủy nội địa) thì chỉ có 81 người được cấp chứng chỉ chuyên môn, còn lại chưa được đào tạo, tập huấn và sát hạch. Ở các khu vực ít có sự kiểm soát của lực lượng chức năng thì thường xuyên xảy ra các vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng như vụ TNGT ngày 11-9-2010, tàu chở cát (không biển số) do Nguyễn Văn Nghị (SN 1984), trú tại xã Ea Na (huyện Krông Ana) điều khiển đi từ hướng ngã 6 đến trạm bơm số 3 đã va chạm với thuyền chở ngô đi ngược chiều do Y Hoang ADrơng (SN 1980), trú tại Buôn Trấp điều khiển, trên thuyền chở thêm 3 người gồm Phan Văn Sơn (SN 1968), Trương Văn Liền (SN 1962) và Trương Văn Huỳnh (SN 1968). Hậu quả, ông Liền chết Y Hoang bị thương nặng. Bên cạnh đó, tại bến đò xã Hòa Phong, người dân huyện Krông Bông muốn sang xã Vụ Bổn (huyện Krông Pak) thường phải qua bến đò Hòa Phong (còn gọi là đò ông Nga). Mùa khô đoạn sông này rộng hơn 40m nhưng mùa mưa có khi rộng gần 100m. Hằng ngày, có hàng trăm lượt khách cùng xe máy qua lại và không ít lần đò lật khiến người và xe rơi xuống sông. Hay tại bến đò Quỳnh Ngọc (thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana), bến đò Cồn Dầu (xã Ewer, Buôn Đôn)… hằng ngày có hàng trăm lượt học sinh qua sông Sêrêpôk, Krông Ana để đến trường học.

Hằng ngày nhiều người dân huyện Krông Bông vẫn đang phải qua sông trên đò ngang để đi làm. (Ảnh chụp tại bến đò xã Hòa Phong, huyện Krông Bông ngày 15-10)
Hằng ngày nhiều người dân huyện Krông Bông vẫn đang phải qua sông trên đò ngang để đi làm. (Ảnh chụp tại bến đò xã Hòa Phong, huyện Krông Bông ngày 15-10)

Cần tăng cường các giải pháp đồng bộ
Hiện nay đang là mùa mưa bão, hiểm họa tai nạn giao thông đường thủy (GTĐT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có biện pháp bảo đảm hữu hiệu. Do vậy, nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐT cho người dân càng phải được thực hiện nghiêm túc. Ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: Để GTĐT nội địa đi vào nền nếp, từ nay đến hết mùa mưa, Ban ATGT tỉnh sẽ cử cán bộ thường xuyên kiểm tra hoạt động của các phương tiện đường thủy nội địa trên sông, hồ và các bến đò. Ban ATGT tỉnh đã tiến hành phát tờ rơi tuyên truyền Luật GTĐT nội địa và Nghị định số 09 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐT cho hơn 300 chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện GTĐT; tổ chức cuộc thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về GTĐT nội địa” (tại huyện Krông Ana) thu hút hàng trăm lượt người tham gia. Bên cạnh công tác tuyên truyền đội CSGT đường thủy (Phòng CSGT, Công an tỉnh) thường xuyên tiến hành các đợt tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy nội địa nhằm phát hiện sự cố kịp thời, tránh xảy ra các vụ TNGT đáng tiếc. Từ đầu năm đến nay, Lực lượng CSGT đã phát hiện hơn 60 trường hợp vi phạm, lập biên bản xử phạt và nộp Kho bạc Nhà nước hơn 2,5 triệu đồng; tổ chức ký cam kết không vi phạm với hơn 150 người điều khiển phương tiện đường thủy (riêng tháng 9 - Tháng ATGT đã phát hiện và lập biên bản 35 trường hợp vi phạm, nộp Kho bạc Nhà nước 0,75 triệu đồng). Qua xử lý, các lỗi vi phạm chủ yếu là chở quá số người cho phép; không có giấy chứng nhận đăng kiểm phương tiện; người điều khiển phương tiện không có bằng thuyền trưởng hoặc giấy chứng nhận điều khiển phương tiện hợp quy…

Ông Bùi Trọng Hóa cho biết thêm, sắp tới GTĐT tại tỉnh ta sẽ được quy hoạch bằng việc cắm biển báo hiệu giao thông trên sông, hồ; đồng thời sẽ tổ chức sát hạch, phổ biến Luật GTĐT cho các chủ phương tiện. Vào ngày mưa bão sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra phương tiện vận tải nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc