Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực hạn chế tình trạng xe dù, bến cóc

00:37, 27/11/2010

Vấn đề xe dù, bến cóc ở địa bàn tỉnh ta vẫn là bài toán khó đối với các cơ quan chức năng. Ở hầu khắp các tuyến đường nội thành đều xảy ra tình trạng xe đón, trả khách không đúng quy định, gây bức xúc cho người tham gia giao thông và làm mất cảnh quan đô thị.

Thực trạng đáng buồn
Ông Trần Thường, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Bến xe Dak Lak cho biết, vào những ngày lễ lớn, số lượng hành khách có nhu cầu đi lại càng nhiều thì hiện tượng xe dù, bến cóc lại tăng lên. Đặc biệt, hằng ngày vào những giờ cao điểm từ 6 đến 8 giờ sáng và 16 đến 17 giờ, lượng xe dù đậu ở các bến cóc lên đến vài chục xe, chủ yếu loại 15 đến 40 chỗ ngồi. 

Được biết, các loại xe dù này chủ yếu ở các huyện, không đăng ký giờ xuất, nhập bến mà bắt khách ở các bến cóc. Lái và phụ xe đều lợi dụng mặt bằng phía trước cổng các bến xe, các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, vá lốp để đậu xe, tạo thành những bến cóc. Để có thể giành được khách lên xe, các chủ xe phải thuê một “đội ngũ cò mồi” thường xuyên kèo chéo, thậm chí ép, lôi khách lên xe bằng được. Trong khi đó, giá vé có khi bị đội lên rất cao so với giá vé quy định trong bến. Chị Hồ Thị Mến (phường Khánh Xuân TP.Buôn Ma Thuột) cho biết, có lần do không biết nên chị bắt xe dọc đường, chỗ ngồi không có, phải ngồi ghế phụ ở giữa xe, bức xúc nhất lúc đi được nửa đường thì bị sang xe khác. Từ dạo đó đến nay, mỗi lần về thăm quê, chị đã vào phòng vé tại Bến xe liên tỉnh đặt vé để không gặp trường hợp như vậy nữa.

Thực tế cho thấy, các xe dù bắt khách dọc đường chủ yếu là những loại xe đã xuống cấp, không có hệ thống điều hòa, cửa lên xuống xe không bảo đảm an toàn, khói xả ra mù mịt… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của hành khách. Việc hành khách lên xe không rõ luồng tuyến, lộ trình, không những làm mất thời gian mà còn làm thất thoát tài sản, có khi làm ảnh hưởng đến tính mạng con người.

Các chủ xe thường lợi dụng mặt bằng trước các cây xăng để đón trả khách.
Các chủ xe thường lợi dụng mặt bằng trước các cây xăng để đón trả khách.

Giải  pháp kiềm chế
Trước thực trạng trên, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để giảm thiểu tối đa tác hại do xe dù, bến cóc gây ra. Ngày 17-5-2010, UBND tỉnh đã có công văn số 2286/UBND-CN về việc “Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị” tại khu vực Bến xe liên tỉnh. Cùng với đó, Công an TP. Buôn Ma Thuột cũng tăng cường lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh - trật tự tại các bến xe, nhất là Bến xe liên tỉnh. Trao đổi về vấn đề này, đại úy Nguyễn Văn Sơn, Tổ trưởng tổ tuần tra trật tự - Đội cảnh sát trật tự TP.Buôn Ma Thuột cho hay, vào những giờ cao điểm, đội phối hợp với lực lượng vệ sĩ tại Bến xe liên tỉnh nhắc nhở và dùng biện pháp cưỡng chế không cho các loại xe dù hoạt động. Kết quả cho thấy, trong vòng 3 tháng nay, tình trạng xe dù, bến cóc đã có chiều hướng giảm xuống, hiện tượng bán hàng rong ở khu vực ngoài Bến xe cũng được hạn chế tối đa. Mặt khác, tại các cuộc họp với các đơn vị vận tải trong toàn tỉnh, Sở Giao thông – Vận tải thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt Luật Giao thông đường bộ; phối hợp với thanh tra giao thông tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe khách vi phạm về đậu đỗ, đón trả khách không đứng nơi quy định…

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Quản lý Bến xe Dak Lak đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng trong khu vực bãi đậu xe, tạo điều kiện thuận lợi cho các xe ra, vào bến. Đồng thời, đơn vị này cũng tăng cường lực lượng bảo vệ, vệ sĩ trực 24/24 giờ bảo đảm an ninh trật tự tại bến, tạo niềm tin cho hành khách khi lên, xuống xe.

Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, ngày 2-4-2010, mức phạt tối đa đối với nhà xe đón trả khách sai quy định từ 300.000 – 500.000 đồng/lần vi phạm. Mặc dù mức phạt đã được tăng lên so với trước, nhưng khó có thể “xóa” hẳn được các điểm nóng về xe dù, bến cóc. Do đó, để ngăn chặn hiệu quả nạn xe “dù”, bến “cóc”, bên cạnh công tác chốt chặn và xử lý nghiêm của lực lượng chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao ý thức của mọi người dân khi có nhu cầu đi xe ô tô không nên đứng đón dọc đường vì không bảo đảm an toàn, vừa gây mất trật tự và cản trở giao thông.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.