Nỗ lực vì sự bình yên trên sông nước
Những năm gần đây công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường thủy nội địa luôn được chú trọng. Cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đội Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGT), Phòng CSGT-Công an tỉnh thường xuyên bám sát địa bàn để kịp thời giải quyết các vấn đề xảy ra trên sông.
Đối mặt với những khó khăn, vất vả
Đến đơn vị CSGT đường thủy nội địa, Công an tỉnh (đứng chân trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) dù đã 11 giờ trưa nhưng chúng tôi thấy CBCS nơi đây vẫn tất bật với công việc. Đang chuẩn bị đi tuần tra kiểm soát (TTKS) trên chiếc ca-nô của đơn vị nhưng Thiếu úy Lê Tiến Quân và Đỗ Văn Thắng vẫn hỏi: “Cánh nhà báo có muốn đi mục sở thị trên sông nước để hiểu hơn về công việc của chúng tôi không?”. Sau vài phút chuẩn bị, khoác vội chiếc áo phao vào người, cả khách và chủ cùng lên chiếc ca-nô 40CV rời trụ sở hướng thẳng về phía ngã sáu Quỳnh Ngọc (xã Ea Na, huyện Krông Ana), nơi giao nhau của hai con sông lớn Krông Na (Dak Lak) và Krông Nô (Dak Nông). Thiếu úy Đỗ Văn Thắng nói vui: “Nhìn mấy nhà báo thư sinh thế này đi đêm hôm sao được, CBCS nơi đây không chỉ tuần tra ban ngày mà có lúc đêm khuya, đang chìm sâu vào giấc ngủ, nhưng nghe tin báo có tàu thuyền vi phạm hay tai nạn giao thông xảy ra là phải lập tức lên đường, đến nơi để bảo vệ hiện trường và đưa người bị nạn đi cấp cứu. Giao thông đường thủy không như trên đường bộ, khi tai nạn xảy ra chỉ lực lượng công an mới có thể giúp được người dân”. Dường như CBCS nơi đây đã quen với những khó khăn, vất vả và làm việc trong cái lạnh buốt giá rồi. Lướt sông khoảng 7km chúng tôi đến ngã sáu Quỳnh Ngọc, anh Thắng cho ca-nô chạy chậm lại và quan sát hai bên bờ, rồi cho biết: Vào giờ cao điểm lưu lượng phương tiện tham gia trên sông, hành khách đi lại trên các chuyến đò ngang tăng cao. Đoạn ngã sáu này thuyền bè đi lại khá phức tạp nên anh em phải tổ chức tuần tra để bảo đảm cho sự an toàn của người dân, không để bất kỳ sự việc đáng tiếc nào xảy ra. Đặc biệt, vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần có “chợ phiên”, người dân ở hai bên bờ sông Krông Nô, giữa huyện Krông Nô (Dak Nông) và huyện Krông Ana (Dak Lak) thường xuyên chở hàng hóa, nông sản qua chợ Buôn Trấp trao đổi, buôn bán, lượng người lưu thông trên sông nhiều nên công việc của các CBCS vất vả hơn ngày thường.
Cứ vậy, các CBCS vẫn cần mẫn với công việc nhắc nhở các phương tiện đi đúng luồng, người dân mặc áo phao khi lên thuyền. Có khi điều khiển ca-nô lại ghé sát vào mấy chiếc xuồng bên sông để xem xét tình hình cùng với vài lời dặn dò vội vã. Tuần tra giữa tiết trời mùa đông lạnh thấu da, giữa mênh mang sông nước nhưng chúng tôi thấy hiện lên trong ánh mắt các chiến sĩ niềm hạnh phúc lạ thường, một cảm giác gần gũi giữa CBCS với người dân nơi đây. Các chiến sĩ như trở thành những người “bảo mẫu”, bởi sự có mặt của các anh sẽ làm cho việc chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa của người dân được thực hiện nghiêm. “Sự bình yên của người dân là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Vất vả của chúng tôi chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống của người dân nơi đây” - Thiếu úy Lê Tiến Quân chia sẻ.
Tuần tra kiểm soát trên dòng. |
Vượt khó vì sự bình yên trên sông
Có thể nói Đội CSGT đường thủy nội địa là đội “sinh sau đẻ muộn” (thành lập năm 2004), tuổi đời trẻ nhất so với các đội chuyên môn khác ở Phòng CSGT, Công an tỉnh nhưng hơn 5 năm qua tập thể các CBCS của đội không ngừng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về cơ sở vật chất, quân số, để giữ gìn sự bình yên cho từng ki-lô-mét đường sông, không để xảy ra các vụ việc đáng tiếc, Năm 2010 toàn tỉnh chỉ để xảy ra 1 vụ TNGT đường thủy nội địa làm chết 1 người, bị thương 1 người (giảm 1 vụ và 1 người chết so với cùng kỳ năm 2009). Được biết, Dak Lak là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có địa hình phần lớn là đồi núi nhưng trên địa bàn lại có tới 220 km đường thủy nội địa trên lưu vực 3 con sông chính là Krông Ana, Sêrêpôk và Krông Nô. Sông, hồ ở Dak Lak có đặc thù mực nước lớn, độ dốc cao, nhiều luồng lạch nên luôn tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm đến TTATGT đường thủy. Toàn tỉnh hiện có 834 phương tiện thủy đang hoạt động trên sông, hồ nhưng chỉ có 155 phương tiện được cơ quan chức năng đăng ký, đăng kiểm và có 81 người được cấp chứng chỉ điều khiển phương tiện nên việc quản lý, xử phạt còn rất khó khăn. Chỉ với 9 CBCS nhưng địa bàn hoạt động là toàn tỉnh, CBCS phải thường xuyên kiểm tra trên sông, hồ ở các địa phương cách xa nhau hàng chục đến hàng trăm ki-lô-mét. Trung tá Nguyễn Văn Vinh, Đội trưởng Đội CSGT đường thủy nội địa, Công an tỉnh cho biết: Mặc dù khó khăn là vậy nhưng anh em trong đơn vị luôn nhiệt tình với công việc, thường xuyên tổ chức các đợt TTKS, tập trung vào các địa bàn, tuyến trọng điểm như ngã sáu Quỳnh Ngọc (huyện Krông Ana), bến đò xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn), cầu Giang Sơn (huyện Krông Bông)… để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT đường thủy theo quy định của pháp luật. Ngoài công tác TTKS thì công tác đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, lâm tặc, sa tặc… trên sông cũng như tổ chức tuyên truyền cho người dân và những người làm nghề chài cá trên sông được đẩy mạnh với nhiều hình thức. Lực lượng CSGT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và cấp phát hàng trăm áo phao cứu sinh cho người điều khiển phương tiện tại các bến đò.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong công việc, nhưng đội luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Vừa qua tại Hội thi “Người tự quản tìm hiểu pháp luật về GTĐT nội địa” do Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội tổ chức tại thành phố Huế, Đội CSGT đường thủy, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã đoạt giải Ba cụm miền Trung và Tây Nguyên. Nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, nhưng các CBCS Đội CSGT đường thủy vẫn luôn quyết tâm “vượt khó” vì sự bình yên trên sông nước.
Ý kiến bạn đọc