Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm trật tự ATGT trong trường học: Cần những giải pháp “mạnh tay” hơn

14:41, 30/03/2012

Năm học 2010-2011,  số học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh ta tăng cao hơn so với năm học trước; mặc dù va chạm và tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến đối tượng học sinh, sinh viên giảm về số vụ, số người bị thương nhưng lại tăng về số người chết. Điều này cho thấy công tác bảo đảm trật tự ATGT trong các trường học tuy có chuyển biến nhưng vẫn còn tồn tại một số bất cập. Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác giáo dục ATGT trong trường học năm nay đã và đang gặp phải những khó khăn, thách thức nhất định.

Thực tế trong năm học 2010-2011 cho thấy, học sinh điều khiển xe trên 50 cm3 không có Giấy phép lái xe tăng cao (tăng đến 83,2% so với năm học trước); số trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ tăng 177 trường hợp (76,6%). Thực trạng này cũng phản ánh sự thiếu quan tâm, thiếu quản lý, dễ dãi của một số phụ huynh; sự quản lý chưa chặt chẽ của một số nhà trường, chưa triển khai quyết liệt các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT, chưa phối hợp đồng bộ với các cấp, các ngành có liên quan.

Từ thực tế đó, trong Kế hoạch thực hiện công tác giáo dục ATGT trong trường học năm 2011-2012, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường triển khai mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp trọng tâm theo Nghị quyết 88/2010/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, phải kết hợp được giáo dục chính khóa với các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép giáo dục ATGT với các cuộc vận động, các phong trào thi đua lớn của ngành và các hoạt động của nhà trường. Chú trọng giáo dục cho học sinh về ATGT bằng các hình thức tuyên truyền trực quan sinh động với các hoạt động thiết thực và hiệu quả như: tổ chức lễ ra quân hưởng ứng năm ATGT, treo băng rôn ở cổng trường… Ngoài ra, chủ động phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, phối hợp với các ban ngành, đoàn thể trong việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ với nhiều hình thức (hái hoa dân chủ, sân khấu hóa bằng các tiểu phẩm, thi các tình huống về giao thông)… để các em hiểu rõ luật và tham gia giao thông tốt hơn, từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong học đường. Đẩy mạnh việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy ATGT trong trường học; lấy việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ của học sinh là tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại hạnh kiểm.

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò, trách nhiệm của phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường bằng việc tổ chức cho phụ huynh ký cam kết không giao xe cho học sinh khi chưa có Giấy phép lái xe; đội mũ bảo hiểm cho học sinh ngồi trên xe môtô, xe gắn máy khi tham gia giao thông. Đồng thời, mỗi trường sẽ có quy định cụ thể việc tuân thủ các quy tắc ATGT cho học sinh, sinh viên; hình thức xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục học sinh và thông báo cho tất cả các phụ huynh biết để cùng thực hiện. Bên cạnh đó, các nhà trường cần chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan của địa phương xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” và tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp về các hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân các vụ TNGT và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Ngoài ra, để tránh ách tắc khu vực cổng trường giờ tan học thì nhà trường cần phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức hướng dẫn giao thông khu vực cổng trường giờ cao điểm, bố trí giờ học ngoại khóa hợp lý; tùy điều kiện của nhà trường, phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức xe đưa đón học sinh; vận động học sinh hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xếp hàng mẫu cho học sinh khi tan trường tại các trường tiểu học, THCS dọc quốc lộ và khu vực thành phố, thị xã, thị trấn đông xe cộ vào giờ tan tầm. Đẩy mạnh việc thực hiện phân luồng ra vào, mở cổng phụ, tính giờ tan học lệch nhau và phân chia khu vực nhà xe trong trường để lưu thông hợp lý.

Thiết nghĩ, nếu “bộ ba” nhà trường, gia đình và xã hội cùng phối hợp chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc và triệt để những giải pháp “mạnh” như trên đã đề ra thì công tác giáo dục ATGT trong học đường năm học 2011-2012 sẽ đạt được những hiệu quả cao hơn, không chỉ đơn thuần là góp phần thực hiện thắng lợi Năm An toàn giao thông mà sẽ tạo ra một thế hệ tương lai có ý thức cao trong việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, giảm tối đa những thương tật, những cái chết không đáng có vì TNGT. 

Năm học 2010-2011, toàn tỉnh xảy ra 24 vụ TNGT đối với học sinh hoặc do học sinh gây ra, làm chết 13 người, bị thương 13 người. So với năm học trước, giảm được 24 vụ, 20 em bị thương, tăng 2 em bị chết. Riêng tại địa bàn thị trấn Ea Đrăng (Ea H’leo) đã có 5 học sinh tử vong vì TNGT.  Cũng trong năm học qua, đã có 164 học sinh bị cảnh cáo toàn trường và 58 học sinh bị hạ xếp loại hạnh kiểm vì vi phạm Luật Giao thông trong các trường học trên toàn tỉnh. Trường THPT Krông Bông là trường có số trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông cao nhất (82 trường hợp).

Thúy Hằng

 


Ý kiến bạn đọc