Multimedia Đọc Báo in

Nan giải lộ trình cấm xe công nông

21:50, 04/06/2012

Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm các loại xe công nông lưu hành, hoạt động có hiệu lực từ 1-1-2008, nhưng đến nay, loại phương tiện này vẫn lưu hành khá đông đúc trên các tuyến đường có mật độ giao thông cao. Xem ra, lộ trình cấm xe công nông không mấy dễ dàng…

Không thể phủ nhận những tiện ích mà xe công nông đem lại trong việc vận chuyển hàng hóa, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, nhưng do chưa được quản lý tốt nên còn nhiều xe hoạt động không đăng ký, chưa được kiểm tra định kỳ về chất lượng an toàn kỹ thuật, cùng với việc người điều khiển chưa được đào tạo cấp giấy phép lái xe nên chính loại xe này đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại hậu quả khôn lường.

Xe công nông chở người lưu thông trên Quốc lộ 26.
Xe công nông chở người lưu thông trên Quốc lộ 26.

Theo qua quan sát cho thấy, dọc theo các tuyến quốc lộ 14, 26 và 27 qua địa bàn tỉnh ta, hằng ngày lượng xe công nông hoạt động khá nhiều. Điều đáng nói là loại phương tiện này không chỉ vận chuyển hàng hóa gọn nhẹ mà còn chở vật cồng kềnh và chở nhiều người, có xe chở đến hàng chục người, gây nguy hiểm không chỉ cho người ngồi trên xe mà cả những người đang tham gia giao thông trên đường. Anh Hồ Trung Thương (TP.Buôn Ma Thuột) bức xúc: một số xe công nông chở người ngồi vắt vẻo trên xe, che khuất tầm nhìn của những người phía sau. Chưa kể, không xe công nông nào có đèn xinhan, còi nên mỗi lần rẽ qua đường hoặc lùi ra sau đều dễ gây nguy hiểm cho người khác. Nguy hiểm nhất là khi xe công nông lưu thông vào ban đêm không có đèn pha hoặc đèn không đủ sáng thì nguy cơ gây tai nạn rất cao. Anh N.Đ.X, người dân huyện Cư Kuin cho biết: đầu tháng 5 vừa rồi, trong lúc đi mua giống tiêu ở xã khác, không may anh bị 1 chiếc công nông tông phải làm gãy xương tay, phải nằm bệnh viện điều trị hơn nửa tháng. Cho đến giờ anh vẫn còn khiếp đảm mỗi khi nhắc tới xe công nông.

Vẫn biết xe công nông là loại phương tiện dễ gây ra các vụ tai nạn, cản trở giao thông nhưng vì sự tiện ích của nó nên nhiều người dân không thể thay thế. Bởi thế nên đa số nông dân đều tậu cho nhà mình một chiếc để tiện lên nương rẫy. Anh Nguyễn Đình Thắng, người dân huyện Krông Buk chia sẻ: nhà anh có 1 ha cà phê, xe công nông là phương tiện duy nhất để anh vận chuyển nông sản về nhà (đó cũng là xe chở người đi làm rẫy). Được biết, nhà anh Thắng nằm trên quốc lộ 14 nên hằng ngày chiếc xe công nông của gia đình vẫn lưu thông trên tuyến đường này. Thừa biết như vậy là vi phạm an toàn giao thông, nhưng anh và nhiều người khác vẫn liều, vì gia đình không có điều kiện để thay thế phương tiện khác. Anh nhẩm tính, giờ mà mua một chiếc xe tải, ít nhất cũng phải tốn khoảng 200 triệu đồng - đó là số tiền rất lớn, không phải gia đình nào cũng có được.

Bàn về vấn đề này, ông Lê Xuân Biểu, Giám đốc Sở GTVT cho biết: liên quan đến lộ trình cấm xe công nông, xe lôi máy; xe cơ giới 3 bánh; xe thô sơ 3-4 bánh, Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ vốn khi chuyển đổi phương tiện hoặc chuyển đổi ngành nghề cho chủ xe. Cùng với đó, địa phương cũng có những cơ chế thoáng như cho phép xe công nông được phép hoạt động ở khu vực nông thôn, phục vụ vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con. Bên cạnh đó, các ngành chức năng luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục ý thức của người dân trong việc sử dụng xe công nông, tuyệt đối không dùng xe công nông chở người. Tuy nhiên như trên đã nói, đa số người dân vẫn dùng xe công nông như một phương tiện đa năng, từ việc vận chuyển nông sản, vật liệu xây dựng, tưới nước đến chở học sinh đi học… Khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, nếu gặp cảnh sát giao thông, người dân tìm cách rẽ vào đường ngang để tránh bị xử phạt. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Dak Lak trong tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng nhận định: xe công nông đã gắn liền với quá trình sản xuất nông nghiệp của người dân Tây Nguyên nói chung, Dak Lak nói riêng nên địa phương cần phải có lộ trình hợp lý để từng bước cấm loại xe này lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và một số điểm tập trung nhiều người như chợ, trường học… để tránh những vụ tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.