Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giao thông – Nỗi đau và trách nhiệm

13:32, 27/11/2012

Có một thông tin khiến chúng ta không khỏi giật mình: Mỗi năm ở Việt Nam có hơn 10 nghìn người chết và ngần ấy người bị thương do tai nạn giao thông (TNGT). Đi cùng với đó là biết bao nỗi đau với những người còn sống…

Nỗi đau người ở lại

Riêng tại Dak Lak, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 300 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết khoảng 300 người. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 402 vụ TNGT, làm chết 216 người và làm bị thương 460 người. Người dân cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng vẫn bàng hoàng mỗi khi nhắc đến vụ TNGT thảm khốc xảy ra vào tối 17-5-2012, tại Cầu Sêrêpôk ranh giới giữa 2 tỉnh Dak Lak và Dak Nông làm chết 34 người, bị thương 21 người. Hay vụ tai nạn giao thông xảy ra khoảng 8 giờ 45 phút ngày 4-4-2012, tại Quốc lộ 14, đoạn qua phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ) do ô tô tải đứt phanh gây ra làm 3 người chết, 6 người bị thương nặng. Chỉ sau đó không lâu, tại km 661+470, Quốc lộ 14 thuộc địa bàn xã Cư Né, huyện Krông Buk cũng xảy ra một vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng giữa hai xe mô tô làm chết 3 người, 2 người bị thương nặng. Cũng có những nỗi đau vì TNGT không phải xảy ra ở Dak Lak mà người dân Dak Lak cũng phải gánh chịu, đó là trường hợp của gia đình bà Bảy tên thật là Lê Thị Châu ở xã Quảng Điền, huyện Krông Ana. Cách đây 4 tháng, những người thân của gia đình bà Bảy về Quảng Nam dự đám cưới, Sau khi xuống xe vào quán ăn sáng tại thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam), thì bất ngờ chiếc xe ôtô 7 chỗ lưu thông hướng Nam - Bắc, do chạy tốc độ cao đã leo lên vỉa hè đâm vào quán ăn đã khiến 2 người bị thương nặng và 7 người tử vong tại chỗ. Cả 7 người tử vong đều là con cháu của bà Bảy, riêng chỉ có chị Nguyễn Thị Vi con dâu của bà may mắn sống sót. Và còn nhiều vụ TNGT nghiêm trọng khác đã vô tình cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê hết. Chỉ biết rằng, sau những vụ tai nạn giao thông đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh cha mất con, vợ mất chồng, ông bà phải để tang cho con cháu và có bao nhiêu đứa trẻ phải mồ côi, bơ vơ trên cõi đời này vì bỗng chốc mất cả cha lẫn mẹ. Có lẽ không nỗi đau nào day dứt, xót xa và khó thốt lên thành lời hơn nỗi đau mang tên “tai nạn giao thông”. Ở tuổi 80, bà Bảy không còn nước mắt để khóc. Có lẽ bà là người phụ nữ bất hạnh nhất khi phải chịu những nỗi đau quá lớn. Chồng bà mất chưa được bao lâu thì bà phải chịu thêm những nỗi đau chồng chất khi cùng một lúc phải nhận bảy vành khăn tang. Chị Nguyễn Thị Lý, con gái bà cho biết từ khi bị mất đi cùng lúc bảy người thân gồm con, cháu ngày nào bà Bảy cũng ngồi ở góc giường nhìn vô hồn ra cửa sổ đợi con cháu về. Sau vụ tai nạn giao thông thảm khốc hôm đó, cuộc sống của gia đình bà Bảy bị đảo lộn hoàn toàn, rơi vào những chuỗi ngày thương đau không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai…Hay như hoàn cảnh thương tâm của  gia đình anh Ven Gia Lập và chị Hồ Thị Thủy ở thôn 6, xã Ea Lai, huyện M’Drak. Sau vụ TNGT kinh hoàng tại cầu Sêrêpôk anh chị ra đi để lại 3 đứa con nhỏ, đứa đầu chỉ mới 12 tuổi, học lớp 5, đứa kế học lớp 4, đứa con út mới được 4 tuổi. Tất cả chúng đều quá nhỏ để cảm nhận được hết nỗi đau thương mất mát mà mình đang phải chịu đựng…

Để không còn những nỗi đau do TNGT

Giờ đây TNGT đang trở thành nỗi lo lớn nhất trong mỗi người khi tham gia giao thông. Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tai nạn đều do người điều khiển ô tô, xe máy thiếu chú ý quan sát, điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, chạy quá tốc độ, lạng lách, sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép, cơ sở hạ tầng giao thông bị xuống cấp, đường hư hỏng ngày càng nhiều…Đã có nhiều ý kiến phải coi tai nạn giao thông là “thảm họa quốc gia”,  là “quốc nạn”…Tại buổi mít tinh hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông” năm 2012, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl cho rằng, để đẩy lùi thảm họa TNGT thì chính mỗi người trong cộng đồng sẽ làm được việc này, bởi các cấp chính quyền, đoàn thể có thể đẩy mạnh tuyên truyền hoặc ra quân kiểm tra phương tiện, tăng mức xử phạt bao nhiêu đi chăng nữa cũng sẽ không nhiều tác dụng, nếu mỗi người không tự ý thức được “thảm họa” đang rình rập chính mình. Trước đó, ông Lê Xuân Biểu - Giám đốc Sở GTVT, Phó Ban thường trực Ban ATGT tỉnh cũng đã kêu gọi tất cả mọi người dân chung tay xây dựng văn hóa giao thông. Văn hóa giao thông không quá cao xa đối với xã hội chúng ta. Đó là hành động tự giác chấp hành luật lệ, là hành động nhường nhịn nhau trên đường; là nụ cười hoặc cái bắt tay thân thiện nếu chẳng may có va chạm giao thông…Và văn hóa giao thông cũng hết sức gần gũi và rất dễ thực hiện với tất cả mọi người như: “Phía trước tay lái là sự sống”, “Nói không với rượu bia trước khi lái xe”, “Hãy đội mũ bảo hiểm”, “Thắt dây an toàn kiểm tra xe trước khi lên buồng lái”, “Hãy lái xe bằng cả trái tim”, hay “An toàn mọi lúc, hạnh phúc mọi nơi”… Rõ ràng để đẩy lùi “thảm họa”, “quốc nạn” không phải là điều gì quá khó khăn mà chỉ cần ý thức của mỗi người tham gia giao thông được nâng lên. Để nâng cao ý thức ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong mỗi trái tim tình cảm, có trách nhiệm trước sinh mạng của chính mình và người khác. Thay vì sự hối hận muộn màng của những người gây ra tai nạn, mỗi chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình và cộng đồng bằng cách tham gia giao thông bằng ý thức tự giác, để ngày càng bớt đi những đau thương mất mát TNGT.

Mỗi người dân tham gia giao thông cần nâng cao ý thức để những sự việc đau lòng  không còn diễn ra.
Mỗi người dân tham gia giao thông cần nâng cao ý thức để những sự việc đau lòng không còn diễn ra.

Xin lấy những tâm sự của bà Nguyễn Thị Mai (TP. Buôn Ma Thuột), mẹ của Lê Thị Thu Hà, nạn nhân thiệt mạng trong vụ TNGT tại Cầu Sêrêpôk để kết thúc bài viết này: Những người đang sống, hãy hành động cho chính mình và cộng đồng, hãy tự mình góp sức đẩy lùi thảm họa TNGT, để tai họa không ập đến giống như đã xảy ra với gia đình bà.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc