Tình hình trật tự an toàn giao thông tháng 11: Tồn tại và thách thức
Trong tháng 11, tình hình trật tự an toàn giao thông có những diễn biến rất phức tạp: tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng tăng; số vụ tai nạn giao thông xảy ra trong tháng cao hơn tháng 9 và tháng 10 cộng lại. Điều này đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành chức năng phải có những giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mạnh mẽ hơn và mỗi người dân cần có ý thức chấp hành Luật Giao thông cao hơn.
Theo thống kê, trong tháng qua, tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra 26 vụ, làm 26 người chết, 11 người bị thương; tai nạn giao thông rất nghiêm trọng xảy ra 3 vụ, 6 người chết, 3 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2011, tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng 100% về số vụ và số người chết, 57% về số người bị thương; tai nạn giao thông rất nghiêm trọng tăng 200% về số vụ và số người chết. Va chạm giao thông xảy ra 41 vụ, làm bị thương 61 người; tăng 355% về số vụ, 408% về số người bị thương so với cùng kỳ năm 2011.
Xử lý trường hợp vi phạm ATGT dưới 18 tuổi. |
Từ thực tế tình hình trật tự an toàn giao thông trong tháng cho thấy, diễn biến của tai nạn giao thông rất khó lường, xảy ra trên tất cả các tuyến đường, vào mọi thời điểm và trên hầu hết các địa bàn. Có đến 13/15 huyện, thị xã, thành phố xảy ra tai nạn (trừ 2 huyện Krông Ana và Ea Súp); một số địa bàn xảy ra tai nạn nhiều như: TP. Buôn Ma Thuột (8 vụ), huyện Cư M’gar (3 vụ), thị xã Buôn Hồ (3 vụ)… Riêng địa bàn huyện Ea Kar xảy ra 2 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, làm chết 4 người, bị thương 2 người; huyện Krông Pak xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, làm chết 2 người, bị thương 1 người. Đối tượng gây tai nạn ở tất cả các độ tuổi: dưới 18 tuổi gây ra 2 vụ; từ 18 đến dưới 27 tuổi gây ra 7 vụ; từ 27-55 tuổi gây ra 13 vụ, trên 55 tuổi gây ra 2 vụ.
Sự diễn biến rất phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông ở tỉnh ta phần lớn là do ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận không nhỏ người dân còn hạn chế. Điều này thể hiện rất rõ qua việc phân tích nguyên nhân của 29 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và rất nghiêm trọng trên thì hầu hết nguyên nhân thuộc về ý thức của người tham gia giao thông. Hành vi đi không đúng phần đường, làn đường gây ra 12 vụ; vượt sai quy định người đi bộ qua đường không bảo đảm an toàn - mỗi nguyên nhân gây ra 4 vụ; không chú ý quan sát gây ra 2 vụ; không nhường đường theo quy định gây ra 1 vụ và nguyên nhân khác gây ra 1 vụ. Bên cạnh đó còn thể hiện ở việc các hành vi vi phạm thường dẫn tới tai nạn giao thông vẫn diễn ra khá phổ biến, thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 2.980 lượt người chạy xe quá tốc độ quy định; 163 lượt người chạy xe không đúng phần đường; 360 lượt người chạy xe chở quá tải; 114 lượt người dừng, đỗ, tránh, vượt xe sai quy định; 168 lượt người chạy xe mà không có giấy phép lái xe; 28 lượt người uống rượu, bia quá nồng độ quy định vẫn điều khiển xe;… Điều này càng được thể hiện rõ hơn qua việc số trường hợp vi phạm bị lực lượng cảnh sát giao thông phát hiện và lập biên bản xử lý vẫn cao hơn 308 trường hợp so với tháng 10-2012, dù Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ với chế tài xử phạt cao hơn so với quy định cũ đã có hiệu lực gần 1 tháng. Ngoài ra, tình trạng vi phạm vào ban đêm - khoảng thời gian xảy ra gần 50% số vụ tai nạn trong tháng - diễn ra còn nhiều. Qua 23 ca tuần tra kiểm soát trong khoảng thời gian này trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, Phòng Cảnh sát giao thông cũng đã phát hiện và lập biên bản đến 117 trường hợp vi phạm; trong đó có 22 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn, 43 trường hợp móc pô; nghiêm trọng hơn là có đến 19 trường hợp lạng lách; 6 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh cảnh sát giao thông.
Có một điều rất đáng quan tâm là trong tháng, riêng Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã ra quyết định xử lý đến 231 trường hợp vi phạm dưới 18 tuổi. Đây là độ tuổi còn nông nổi, thường có những hành động bộc phát, dễ bị kích động trong khi hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ chưa đầy đủ hoặc còn nhiều hạn chế và khả năng kiểm soát tay lái còn thấp, dễ gây ra các vụ va chạm hay tai nạn giao thông. Con số này cũng phần nào thể hiện sự thiếu quan tâm, buông lỏng quản lý hoặc quá xem nhẹ việc giao xe cho con em chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông của các bậc phụ huynh.
Như vậy, ý thức của người tham gia giao thông vẫn là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông, dù vẫn liên tục được cảnh báo, nhắc nhở. Tuy nhiên, vì chủ quan cá nhân, vì sự thiếu hiểu biết về các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông… của nhiều người nên tồn tại cơ bản này đã và đang tiếp tục làm hàng trăm người dân trên địa bàn tỉnh tử vong mỗi năm. Hiện nay đã bước sang tháng 12 – tháng cuối cùng của năm, quãng thời gian mà số lượng người và phương tiện tham gia giao thông gia tăng đột biến, dễ xảy ra nhiều tai nạn giao thông với tính chất khá nghiêm trọng. Vì vậy, để có thể được hưởng một cái tết an toàn, vui vẻ bên người thân thì mỗi người cần tự nâng cao ý thức trong việc tìm hiểu, nghiên cứu và chấp hành các quy định của Luật Giao thông đường bộ.
Thúy Hằng
Những điều người tham gia giao thông cần biết:
Theo quy định của Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người điều khiển máy kéo sẽ bị tạm giữ phương tiện đến 10 ngày khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
+ Không nhường đường hoặc gây cản trở xe ưu tiên,
+ Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;
+ Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy
+ Không tuân thủ hướng dẫn của người điều khiển giao thông khi qua phà, cầu phao hoặc nơi ùn tắc giao thông, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Ý kiến bạn đọc