Multimedia Đọc Báo in

Giúp đỡ nạn nhân tai nạn giao thông: Sợ “làm ơn mắc oán”?

19:52, 01/12/2012

Người ta thường nói “Cứu người hơn cứu hỏa”, dù trong hoàn cảnh như thế nào thì việc cứu người là quan trọng nhất. Thế nhưng, hiện nay nhiều người khi thấy nạn nhân tai nạn giao thông lại không dám cứu giúp chỉ vì sợ “làm ơn mắc oán”.

Tâm lý e ngại khi giúp đỡ người khác gặp nạn sợ liên lụy đến bản thân là “căn bệnh” đang trở nên phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Có lần trên đường Lê Duẩn, một thiếu niên đi xe đạp bị 1 chiếc xe máy đi ngược chiều tông vào khiến em ngã lăn ra đường ngất lịm, mặt trầy xước, 2 răng cửa bị gãy, miệng chảy máu. Đang quãng tan tầm nên người qua lại rất đông, kể cả học sinh, sinh viên đi học về nhưng ai cũng chỉ đi chậm lại rồi ngó qua, có người còn nép xe vào lề đường để “xem” vụ tai nạn. Trên đường đi làm về thấy vậy tôi vội dựng xe chạy tới đỡ cậu bé rồi cùng một chị đi đường chở vào bệnh viện. Vừa vào phòng cấp cứu thì cũng là lúc người nhà nạn nhân có mặt, tôi chưa kịp nói gì thì đã bị họ giáng 2 cái bạt tai liên tiếp cùng lời chửi: “Mày chạy xe kiểu gì vậy hả”. Chỉ khi chị đi cùng hét lên: “Anh đánh nhầm người rồi!”, thì người đàn ông mới dừng lại, khuôn mặt bặm trợn bỗng tái nhợt rồi cầm tay tôi xuýt xoa xin lỗi, mong thông cảm, nói rằng cũng vì thấy cháu nó bị vậy, tưởng là tôi gây ra tai nạn nên ông không kiềm chế được. Cũng may hôm đó cậu bé chỉ bị thương nhẹ. Sau khi bị “ăn” 2 cái tát oan tôi ra về trong sự vui buồn lẫn lộn. Vui vì mình đã làm được một việc nhỏ ý nghĩa, còn buồn vì cách xử sự thô bạo của người thân nạn nhân. Mặc dù biết họ không giữ được bình tĩnh khi thấy tính mạng con mình đang nguy kịch nhưng cách hành xử như thế thì không nên. Bởi nếu cứ đánh người tùy tiện như vậy rồi sau đó chạy theo xin lỗi, thông cảm vì đánh nhầm thì có lẽ nhiều người đi đường sẽ chẳng ai dám cứu người bị nạn.

Hay như lần nọ trên đường Hùng Vương, một phụ nữ chạy xe tới ngã tư đèn xanh, đèn đỏ, không may va chạm nhẹ với người khác rồi ngã ra đường. Thấy vậy, một nam học sinh liền chạy ra giúp dựng xe và đỡ nạn nhân vào vỉa hè, đúng lúc ấy em trai của nạn nhân chạy xe qua liền dừng xe, nắm cổ áo cậu học sinh tát cho mấy cái. Người chị kêu lên thì cậu em mới buông tay rồi xin lỗi. Thấy bạn bị đánh oan người bạn học đi cùng liền lẩm bẩm: “Mày chỉ được cái anh hùng “rơm”, tao đã nói rồi, đừng đụng vô mấy vụ này làm gì cho mệt xác, chưa được lời cảm ơn đã bị họ đánh cho bầm mặt!”. Cậu học sinh đó không phải không có lý khi thực tế có một tiền lệ xấu là hễ thấy người thân gặp nạn liền tỏ thái độ hung hăng “Thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với người đang cứu giúp vì cứ ngỡ đó là người gây ra tai nạn. Sự hồ đồ đó phần nào là nguyên nhân gây ra “căn bệnh” thờ ơ, không muốn liên lụy tới bản thân của người tham gia giao thông. Thiết nghĩ, khi tai nạn xảy ra, thân nhân người gặp nạn cần hết sức bình tĩnh, để người tốt không bị cư xử oan như trên.

Tuấn Anh


Ý kiến bạn đọc