Multimedia Đọc Báo in

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân trong các vụ tai nạn giao thông

10:29, 29/07/2013

Tại các trung tâm đào tạo lái xe hằng năm có đến hàng trăm lượt người học lái xe ô tô và thi lái xe nâng hạng. Nếu hỏi: “Chạy nhanh, chạy chậm, kiểu nào chạy  khó hơn?”, hầu hết người học sẽ trả lời: “Chạy nhanh dễ, chạy chậm là khó nhất!”.

Lấn đường vượt ẩu và tai nạn.
Lấn đường vượt ẩu và tai nạn.

Bài thi số 9 tăng, giảm số trên đường bằng (1 trong 10 bài thi sát hạch lái xe) yêu cầu học viên trong khoảng 50m phải tăng lên được một số (từ số 1 lên số 2 với hạng B, và từ số 2 lên số 3 với các xe hạng C, D, E) rồi nhanh chóng “dồn số” về để đi tiếp. Đây cũng chính là bài học cơ bản để một người lái xe có thể dồn, trả số khi xe gặp sự cố mất phanh. Thường là số đông học viên không thể làm được điều này. Lợi dụng kẽ hở của máy chấm điểm tự động, người ta có một mẹo nhỏ để bỏ qua bài thi này đó là chỉ đi một số, không tăng, không giảm và chấp nhận trừ 5 điểm còn hơn thao tác sai có thể bị trừ điểm hàng loạt, dẫn đến trượt sát hạch. Hệ quả là hàng loạt học viên ra trường không biết dồn số khi gặp sự cố.

Cánh lái xe chuyên nghiệp có câu: “Đi số thì phải lấy đà, về số thì phải vù ga nửa chừng”. Hiểu và thao tác đúng thế nào là vù ga nửa chừng đòi hỏi người lái xe phải biết đi côn đôi, nghĩa là: “cắt côn vào số, cắt côn ra số”. Để dồn số trong tình huống khẩn cấp phải thao tác nhanh, gọn, chính xác: cắt côn ra số, thả chân côn ra vù ga thật lớn, cắt côn về số thấp và thả nhanh chân côn để số sẽ ghì chiếc xe lại (gọi là phanh số). Tuy nhiên việc kiểm soát được chân côn, chân ga với người học lái không hề đơn giản. Ngay từ những ngày đầu, việc rèn dũa cho một học viên biết chạy xe thật chậm, biết làm chủ chân côn, chân ga, chân phanh là tập cho thuần tính nết kiên trì. Dạy hai chữ "cẩn thận" phải ngấm vào máu vào thịt học viên, từ việc biết chạy thật chậm mới nói đến khả năng bao quát, quan sát, xử lý tình huống. Những động tác cơ bản phải làm được thật tốt mới nói đến chạy nhanh dần và chạy an toàn. Phải xác định được lái xe không chỉ lái bằng chân tay, mà lái bằng cái đầu, bằng cả trái tim, khối óc. Nhiều lái xe không được đào tạo đến nơi đến chốn, mỗi lần va quẹt cứ bảo là “xui xẻo”, họ không dám thừa nhận sự yếu kém, không để tâm rút kinh nghiệm để rồi đến thâm niên, nhiều năm lăn lộn trên đường trường nhưng sơ sẩy vẫn bị tai nạn vì căn bệnh chủ quan.

Thiết nghĩ ý thức tự bảo vệ mình có sẵn trong mỗi người. Lái xe chạy chậm, cẩn thận, biết quan sát, biết nhường nhịn và luôn đề phòng tất cả mọi tình huống xảy ra thì người khác muốn tông vào mình cũng khó chứ nói gì đến chuyện tông người ta. Vì vậy có thể khẳng định tốc độ cao chính là nguyên nhân trong mọi nguyên nhân dẫn đến tai nạn từ nhẹ cho đến thảm khốc. Và người lái xe hãy tự quyết định nên chạy nhanh hay chạy chậm để bảo đảm an toàn cho bản thân và cho mọi người.

Thanh Tâm


Ý kiến bạn đọc