Multimedia Đọc Báo in

Dạy và sát hạch lái xe: cần phải thực chất

15:26, 11/08/2013

Tai nạn giao thông lâu nay vốn là nỗi đau ám ảnh không chỉ của nhiều gia đình mà còn là của toàn xã hội. Phần lớn các vụ tai nạn đều liên quan đến trình độ và ý thức của lái xe. Việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe được coi là quan trọng để giảm thiểu tai nạn.

Những năm gần đây, nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) được thành lập, từng bước đáp ứng nhu cầu của người học. Họ có thể lựa chọn cơ sở đào tạo tin tưởng, yên tâm, chứ không như trước đây sau khi nộp hồ sơ, phải khổ sở chờ đợi 2 năm có khi 3 đến 4 năm mới có thể đi học.  Dù vậy, khi tham gia một khóa đào tạo lái xe, tôi mới nhận thấy rằng, vẫn còn quá nhiều bất cập cần chấn chỉnh. Bất cập trong dạy lý thuyết, trong trang bị kỹ năng cho học viên học thực hành và ngay cả trong thi cử, sát hạch. Như phần học lý thuyết, thay vì dành thời gian để giúp người học hiểu và nắm sâu về  Luật Giao thông đường bộ thì giáo viên lại chú trọng “học mẹo”, tức là chỉ cho học viên những “quy luật”  mà chỉ cần nhắm mắt là cũng có thể đánh trắc nghiệm ro ro, nên khi Bộ Giao thông Vận tải có quy định thay đổi hình thức thi trắc nghiệm và tăng thêm 45 câu hỏi thì ai cũng thấy hoang mang, lo lắng. Chính bởi sự hoang mang, lo lắng ấy mà sinh ra chuyện “lót đường” trong thi cử. Bởi tâm lý  của học viên thì ai cũng muốn mình thi đạt kết quả, còn trung tâm đào tạo lái xe thì cũng được tiếng có tỷ lệ đậu cao, có như vậy mới thu hút được người học. Việc học và thi sát hạch hiện nay tương ứng với việc đào tạo nghề sơ cấp, với thời gian đào tạo 3 tháng 15 ngày, nếu kỳ thi sát hạch được tổ chức nghiêm túc thì có học, có ôn luyện thực sự thì người học mới có thể vượt qua.

Thế nhưng,  không ít trung tâm vẫn còn có tình trạng, học viên không đi học đầy đủ vẫn tốt nghiệp,  không cần học lý thuyết vẫn vượt qua kỳ sát hạch. Thế nên mới có chuyện, cứ mỗi kỳ sát hạch, lại nghe các học viên rỉ tai nhau chuyện “lót đường” trong thi lý thuyết, đường trường từ vài “xị” đến 1 “chai” nên có lẽ  việc chấn chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo cũng chỉ là khẩu hiệu. Đành rằng, việc lái xe giỏi hay không, không phụ thuộc hoàn toàn vào cơ sở đào tạo, mà còn liên quan đến nhiều yếu tố như cách ứng xử, thái độ và ý thức của từng người trước mỗi tình huống xảy ra. Nhưng nếu không thực sự nghiêm túc trong đào tạo và sát hạch GPLX thì sẽ hình thành ý thức chủ quan trong những người ngồi sau vô lăng, xem GPLX như một loại giấy thông hành mà không chú trọng đến việc rèn luyện đạo đức, ý thức chấp hành luật, kỹ năng lái xe. Vì vậy, việc cải tiến, giảm thiểu tối đa yếu tố con người trong sát hạch để tăng tính chính xác, minh bạch là cần thiết.

Việc sát hạch những năm gần đây ngày càng được thực hiện nghiêm túc, đặc biệt từ khi chuyển sang thi xe chip, giảm bớt yếu tố con người. Bên cạnh đó, việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các cở sở đào tạo, trung tâm sát hạch GPLX cũng đã góp phần hạn chế những tiêu cực trong thi cử, sát hạch. Tuy nhiên, bất cập vẫn còn ở phần thi đường trường. Có ý kiến cho rằng, cần cải tiến, chấm điểm tự động với phần thi sát hạch kỹ năng thực hành đường trường, khi đó các thành viên của hội đồng thi đơn thuần chỉ là giám thị coi thi, máy sẽ chấm kết quả thi của từng học viên, có như vậy mới hạn chế tối đa tiêu cực trong việc sát hạch GPLX như hiện nay.

P.V


Ý kiến bạn đọc