Multimedia Đọc Báo in

Thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông: SOS!

08:46, 21/08/2013

Tai nạn giao thông, vấn đề đã được coi là quốc nạn ở Việt Nam. Đáng chú ý, trong phần lớn những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, thì thanh thiếu niên là một trong những thành phần “sắm vai chính”. Câu chuyện giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông đối với đối tượng này xem ra còn dài kỳ, nhất là khi xuất hiện yếu tố chủ quan, cố tình vi phạm với những hành vi nghiêm trọng hơn…

Kỳ I: Đùa... với vòng xe

Cùng với những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông có tính chất phổ biến, hiện nay không ít thanh thiếu niên đã coi phương tiện, đặc biệt là mô tô trở thành trò chơi và những cung đường là nơi thể hiện sự sành điệu, iêng hùng…

“Đi bão”

Đi xe không có gương chiếu hậu, đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách, sử dụng điện thoại khi đang điều khiển xe, đi xe trên hè phố, đi không đúng làn đường, dừng hoặc đỗ không đúng nơi quy định, chở người vượt quá quy định… là những lỗi vi phạm do vô tình hoặc cố ý khá phổ biến. Đối tượng vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay phần lớn là thanh thiếu niên. Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông thành phố Buôn Ma Thuột, trong tổng số 7.262 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị phát hiện và lập biên bản 8 tháng đầu năm nay thì có đến 3.016 trường hợp, chủ yếu là mô tô có liên quan đến thanh thiếu niên (từ 27 tuổi trở xuống).

Hiểm họa tai nạn giao thông từ hành vi đi xe  dàn hàng ngang trên đường.
Hiểm họa tai nạn giao thông từ hành vi đi xe dàn hàng ngang trên đường.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mức độ và tính chất vi phạm pháp luật nghiêm trọng về giao thông, rất nhiều trường hợp chủ động cố tình tham gia lạng lách, đua xe, đánh võng gây nhiều nguy hiểm, khó khăn cho người đi đường và lực lượng cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng khác đã bắt giữ 1.195 đối tượng chạy tốc độ cao, moóc pô, rú ga, lạng lách, đánh võng, không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã giải tán được 16 nhóm có dấu hiệu tụ tập đua xe, qua đó, phát hiện có nhóm 20 đối tượng mang theo dao, súng độ chế.

Đề cập vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Đức - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh cho biết: “Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 xuất hiện nhiều nhóm thanh thiếu niên và học sinh tụ tập, chạy tốc độ cao, rú ga, lạng lách, đánh võng, biểu diễn trên đường. Mục đích của các đối tượng là thể hiện sự ga lăng, sành điệu, biết chơi và cố tình gây rối, làm mất trật tự công cộng”. Để tham gia “đi bão” và “lướt” với tốc độ không giới hạn, phần lớn các loại xe đã được các đối tượng đem đi độ chế, làm thay đổi đặc tính so với thiết kế ban đầu như: độ chế xi lanh để thay đổi dung tích, mã lực; moóc pô để tạo tiếng ồn; độ nhông để tạo vòng tua lớn. Các xe này hầu hết đều không có gương chiếu hậu, tháo chắn bùn, dán nhãn mác không đúng quy định…

Các đối tượng “đi bão” thường có độ tuổi từ 17-22, ăn chơi, không chịu học hành, không có việc làm hoặc là cậu “ấm”, cô “chiêu” của những gia đình có điều kiện, nuông chiều, không quản lý con cái chặt chẽ. Phương thức hoạt động của nhóm này là thường tụ tập lại một điểm, hẹn nhau bằng điện thoại di động hoặc qua mạng, người xướng xuất là đối tượng có “uy tín” nhất, tức ăn chơi, sành điệu, tay lái lụa nhất, sau đó hợp thành đoàn, rú ga tạo “hứng thú” để chạy tốc độ cao. Một trong những địa  bàn “nóng” nhất về loại hình vi phạm trên là ở TP. Buôn Ma Thuột. Trong đó, các tuyến phố là sân khấu biểu diễn ưng nhất của các đối tượng, gồm: Phan Chu Trinh, Hoàng Diệu, Phan Bội Châu, Y Jút, Nơ Trang Lơng, Lê Thánh Tông, Tôn Đức Thắng, Ngô Quyền, Y Bih Alêô, đặc biệt là xung quanh khu vực Siêu thị Metro. Địa điểm mà các đối tượng thường tụ tập nhau để khởi hành là: Quảng trường 10-3, Trường THPT Chu Văn An, bệnh viện thị (cũ), Ngã ba Ea Kao, đường Nơ Trang Lơng, Y Jút. Thời gian những nhóm đua hoạt động chủ yếu là buổi tối, bắt đầu từ khoảng 19 giờ. Dịp hè, ngày nghỉ, ngày lễ, đặc biệt là mùa bóng đá thì càng có cớ, cảm hứng để loại đối tượng này rủ nhau “đi bão”.

Dấu chấm chưa hết câu...

Việc thiếu ý thức, cố tình vi phạm trật tự an toàn giao thông dẫn đến tai nạn giao thông là kết cục đã được báo trước. Điều đáng nói là đối tượng sử dụng phương tiện đi tốc độ cao, rú ga, lạng lách, đánh võng thường rất manh động, liều lĩnh. Nguy hiểm cho bản thân đối tượng là không phủ nhận, nhưng bức xúc oan uổng hơn là nhiều người đi đường đã phải chịu tai bay vạ gió vì trò đùa với vòng xe, coi thường an toàn tính mạng con người, coi thường pháp luật… Gánh nặng cho xã hội là một chuyện, chỉ đáng tiếc và đáng trách là nhiều em đã tự đặt dấu chấm hết cho cuộc đời của mình hoặc bị thương tật, dở dang việc học, sự nghiệp khi tương lai đang còn rất dài phía trước… Đơn cử như vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hồi 22 giờ 50 phút ngày 1-12-2012 trên đường Nguyễn Văn Linh, TP. Buôn Ma Thuột. Y Chiên Niê (20 tuổi), thường trú buôn Kroa A, xã Ea Drơng, huyện Cư M’gar điều khiển xe mô tô biển kiểm soát (BKS) 47H1-132.12, phía sau chở theo hai người do chạy nhanh, không làm chủ tốc độ, đã tự gây tai nạn, đâm vào dải phân cách cố định bằng bê tông. Hậu quả, cả 3 tử vong, xe mô tô hư hỏng nặng. Một vụ khác xảy ra lúc 19 giờ 45 phút ngày 13-2-2013, tại Km7+800, quốc lộ 27 đoạn qua địa bàn xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin), Trần Lý Thuận (24 tuổi), thường trú tổ dân phố 7 (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột), điều khiển mô tô BKS 47N8 – 4248 hướng đi về Lak, chở theo Lê Công Huy (SN 1987) đã va chạm với mô tô BKS 47N9 – 7207 do Y Rao Knul (21 tuổi), thường trú buôn H’Ra Ning (xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin) điều khiển, chở phía sau Y Mit Byă (19 tuổi), đi hướng ngược lại. Hậu quả, vụ tai nạn làm cả 4 người chết, 2 xe mô tô hư hỏng. Nguyên nhân được xác định cũng là do chạy xe tốc độ cao, đi lấn đường. Hay mới đây nhất, vào hồi 20 giờ 30 phút, ngày 25-5-2013, tại xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo, Ngô Sỹ Thắng (15 tuổi)  thường trú xã Cư Mốt, điều khiển xe mô tô mang biển số 47N1 – 0725, phía sau xe chở hai người, chưa xác định tên tuổi đã xảy ra tai nạn với mô tô, BKS 47P6 – 9003 do Lê Thanh Thảo (15 tuổi), thường trú thôn 6B (Cư Mốt, Ea H’leo) điều khiển, chở theo hai người là Lê Thái Hiếu, Huỳnh Quang Trung. Hậu quả Thảo chết, 3 người bị thương, 2 xe mô tô hư hỏng. Nguyên nhân là do Thắng điều khiển xe đi lấn đường. Điều đáng quan tâm trong vụ tai nạn này là các đối tượng đều mới 15 tuổi, chưa đến tuổi được phép điều khiển xe mô tô, thêm nữa lại chở vượt quá số người quy định...

 Những chiếc môtô vỡ nát, hậu quả của trò “đi bão”.
Những chiếc môtô vỡ nát, hậu quả của trò “đi bão”.

Trên đây chỉ là ba trong số nhiều vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng liên quan đến đối tượng thanh thiếu niên. Chỉ vì thiếu hiểu biết, thích thể hiện hoặc cố tình không chấp hành luật giao thông, những thanh niên đang sức vóc trai tráng bỗng chốc kẻ lìa xa cõi đời, hoặc trở nên tật nguyền, người bị truy tố, bị đưa vào trại giáo dưỡng, việc học dở dang... Còn những người làm cha làm mẹ, thì đau lòng, xót thương cho con trẻ…

Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định: Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày; tạm giữ xe 10 ngày...

Tụ tập để cổ vũ, kích động hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định, lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường hoặc đua xe trái phép bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

(Còn nữa)

Thế Hùng - Đàm Thuần – Thúy Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.