Thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông: SOS!
Bắt đầu từ gia đình
Tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn giao thông, một thành viên của Ban An toàn giao thông quốc gia đã thốt lên: “giải pháp cho vấn đề bảo đảm an toàn giao thông bền vững, xét cho cùng phải quay trở về với gia đình”. Nhận định của vị đại biểu này cũng có lý, bởi môi trường sống gần gũi, thường xuyên nhất đối với mọi cá thể trong xã hội là gia đình. Những kiến thức đầu đời của con trẻ cũng bắt đầu từ phụ huynh. Tuy nhiên, các bậc làm cha làm mẹ nghĩ gì khi cũng có lần mình điều khiển phương tiện giao thông đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm và những cô bé, cậu bé mới 3 tuổi, 4 tuổi hỏi rằng: “Sao bố mẹ lại đi đường này, ở trường cô giáo dạy con khác mà!”. Tưởng chỉ là thắc mắc, tò mò đơn thuần của con trẻ, nhưng bài học giáo dục con cái lại chính từ những hành vi như thế. Bố mẹ là tấm gương soi gần gũi nhất của con. Trẻ thơ như tờ giấy trắng, những nếp nghĩ, hành vi, ý thức sống được hình thành có sự góp phần quan trọng từ mọi phản chiếu đầu đời.
Lực lượng cảnh sát giao thông TP. Buôn Ma Thuột phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đến học sinh. |
Một vấn đề khá phổ biến hiện nay có liên quan đến việc giáo dục, trang bị kiến thức an toàn giao thông cho các cháu là tình trạng nhiều học sinh phổ thông trung học được phụ huynh cho phép đi xe gắn máy có phân khối lớn đến trường. Tuy nhiên, điều đáng nói là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hiếu thắng, thích thể hiện mình nên khi tham gia giao thông, nhiều em do chủ quan, cố tình vi phạm: đi xe dàn hàng ngang, chở 2, chở 3, chạy xe tốc độ cao, rú ga, vượt đèn đỏ hoặc tự ý đi thay đổi kết cấu xe cho sành điệu, hợp mốt… Nhiều gia đình quá nuông chiều con cái, muốn gì được đó, thậm chí cho rằng mọi thứ có thể giải quyết được bằng tiền nhưng rất xem nhẹ việc nhắc nhở, uốn nắn con cái về ý thức chấp hành an toàn giao thông.
Cộng đồng trách nhiệm
Phải ghi nhận, bắt đầu từ Năm An toàn giao thông 2012, ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn giao thông đã được nâng lên. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với vấn đề được coi là quốc nạn cần phải có những hành động, việc làm quyết liệt để lập lại trật tự ATGT là một tín hiệu mừng. Trong đó, việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Luật Giao thông đối với thanh thiếu niên đã được nhiều tổ chức, đoàn thể chung tay góp sức. Là đội ngũ nòng cốt, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông, trong đó có đấu tranh, phòng ngừa dấu hiệu thanh thiếu niên tụ tập “đi bão”. Đơn cử như tại Buôn Ma Thuột, Trung tá Võ Tin, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông thành phố cho biết: Lực lượng Cảnh sát giao thông thành phố đã thành lập các tổ tuần tra, kiểm soát ban đêm để mật phục, “đón lõng” các nhóm thanh thiếu niên tụ tập “đi bão”. Công an các xã, phường lên danh sách các đối tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ để gọi hỏi, răn đe và thông báo đến nơi học tập, nơi cư trú theo Thông tư 38/2010 của Bộ Công an. Theo thống kê, trên địa bàn Buôn Ma Thuột hiện có khoảng 170 đối tượng thanh thiếu niên thường xuyên vi phạm có tính chất nghiêm trọng trong lĩnh vực an toàn giao thông, trong đó có những địa bàn trọng điểm như: Tân Tiến (23 đối tượng), Ea Tu, Ea Kao, Tân Hòa, Tân Lập (gần 20 đối tượng). Ngoài ra, Đội Cảnh sát giao thông thành phố đã yêu cầu 266 cơ sở sửa chữa xe máy trên địa bàn ký cam kết không tham gia độ chế xe, thay đổi kết cấu xe.
Các đơn vị ký cam kết tham gia mô hình “Cổng trường an toàn”. |
Ngành Giáo dục và Đào tạo cũng phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đưa nội dung giáo dục về an toàn giao thông vào trường học; phối hợp với ngành liên quan tổ chức trò chơi “Rung chuông vàng” về giao thông, tổ chức hội thi, trò chơi giao thông với tuổi trẻ học đường; mở lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho cán bộ quản lý và giáo viên; các trường học phải ký cam kết không cho học sinh sử dụng mô tô, xe gắn máy đi học (nếu đi xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm)...
Hội phụ nữ các cấp triển khai thực hiện chương trình phối hợp, tổ chức cho 226.570 lượt hộ gia đình cán bộ hội viên phụ nữ ký cam kết “Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông”. Toàn tỉnh có 44 câu lạc bộ với tổng số 2.239 thành viên đưa nội dung an toàn giao thông vào sinh hoạt… Một trong những lực lượng tích cực tham gia công tác này là tổ chức Đoàn. Các cấp bộ Đoàn, Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động, xây dựng nhiều công trình thanh niên; thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên thanh niên về Luật Giao thông đường bộ; duy trì và phát huy hiệu quả đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Hiện nay, các cấp bộ Đoàn đảm nhận 341 km “con đường thanh niên tự quản”, “con đường em chăm” với sự tham gia của 12.392 đoàn viên, thanh thiếu niên.
Quyết liệt và đồng bộ hơn
Thời gian qua, cơ quan chức năng đã tổ chức các đợt cao điểm ra quân xử lý tình trạng thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe máy phân khối lớn đến trường. Thông qua đó, cùng với biện pháp xử lý, còn nhằm răn đe, giáo dục, phối hợp với nhà trường, phụ huynh để tuyên truyền và nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho các em. Tuy nhiên, thực tế còn quá ít phản hồi từ phía nhà trường và gia đình những em vi phạm dù khi lập biên bản đều ghi đầy đủ thông tin địa chỉ trường, lớp, gia đình và có gửi về tận từng nhà, từng trường của các em… Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền giáo dục cho thanh thiếu niên nhiều nơi còn chưa có trọng tâm, trọng điểm, chưa đồng bộ. Thực trạng này cho thấy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn giao thông trong thanh thiếu niên, các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể cần có sự phối kết hợp đồng bộ, tiếp tục quan tâm, đổi mới phương thức, hình thức để tuyên truyền, giáo dục và quản lý hiệu quả hơn. Đơn cử như với tổ chức Đoàn, cần đưa nội dung tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vào tiêu chí thi đua của các cấp bộ Đoàn nhằm đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở Đoàn và đoàn viên hằng năm; tổ chức diễn đàn thanh niên tọa đàm theo các chuyên đề, ưu tiên phân tích những lỗi thường gặp, những nguyên nhân và hệ lụy của tai nạn giao thông; tổ chức mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản”, “Gia đình đoàn viên không vi phạm an toàn giao thông”….
Nói như Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh: Giải quyết bài toán thanh thiếu niên vi phạm trật tự an toàn giao thông cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn của cộng đồng. Trong đó, biện pháp chính là tăng cường, chủ động nắm tình hình từ thôn, xóm, khu phố đến tận gia đình để giáo dục, nhắc nhở, răn đe từ cơ sở. Đồng thời phải có kế hoạch theo dõi nắm tình hình tại các điểm có dấu hiệu tụ tập để phòng ngừa, ngăn chặn; chủ động bố trí lực lượng vây bắt, sau khi xử lý, các đối tượng được đưa vào danh sách để quản lý ở cơ sở; thông báo đến nơi học tập, nơi cư trú. Biện pháp đấu tranh là tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm. Biện pháp gốc là mỗi gia đình, cơ quan, trường học, khối phố phải quản lý, theo dõi, giáo dục, uốn nắn kịp thời; cộng tác, cung cấp thông tin cho cơ quan công an để chủ động phòng ngừa, nhất là đối với hành vi có dấu hiệu tụ tập “đi bão”.
Thế Hùng - Đàm Thuần – Thúy Hằng
Ý kiến bạn đọc