Multimedia Đọc Báo in

Chưa hết nỗi lo cầu treo, cầu tạm

10:32, 03/03/2014

Vụ tai nạn sập cầu treo làm hàng chục người thương vong xảy ra tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu ngày 24-2 vừa qua, khiến dư luận bàng hoàng và gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm họa từ những chiếc cầu treo, cầu tạm không bảo đảm chất lượng ở các địa phương, trong đó có Dak Lak.

Dak Lak có đặc điểm địa hình bị chia cắt, nhiều sông suối, nên cầu treo là phương tiện giao thông khá hữu dụng trong việc đi lại, sản xuất của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, hiện trên địa bàn tỉnh có 318 cầu dân sinh, chủ yếu là cầu treo, trong đó huyện Krông Năng 28 cầu, Buôn Đôn 19, Ea H’leo 16, Krông Pak 13, Krông Bông 32, Krông Ana 7, thị xã Buôn Hồ 14, Cư M’gar 37, Ea Súp 12, Krông Buk 10, M’Drak 14, Ea Kar 44, Lak 37, Cư Kuin 22 và TP. Buôn Ma Thuột 13 cầu. Đây là những cầu chủ yếu được làm bằng gỗ tạm hoặc bằng sắt thép, có tải trọng thấp, hiện đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân là các công trình này chủ yếu xây dựng mang tính tạm thời, quy mô nhỏ, không có quy chuẩn thiết kế, tuổi thọ đã nhiều năm và ít được duy tu, bảo dưỡng. 

Cầu treo buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông bị sập năm 2012, rất may không có thiệt hại về người.
Cầu treo buôn Khanh, xã Cư Pui, huyện Krông Bông bị sập năm 2012, rất may không có thiệt hại về người.

Ở đây chỉ xin đề cập riêng địa bàn huyện Krông Bông, hiện có hàng chục cầu treo được xây dựng từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc khả dụng của nó, những cây cầu này cũng đem đến nỗi lo lớn cho người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đây, bởi nhiều vụ tai nạn liên quan đến cầu treo đã từng xảy ra tại địa phương. Cụ thể, năm 2012, cầu treo buôn Khanh (xã Cư Pui, Krông Bông) bị sập, rất may không có thiệt hại về người, nhưng cũng khiến người dân nơi đây một phen bàng hoàng. Cầu này được đưa vào sử dụng năm 2002, có tải trọng 1,8 tấn, do không được duy tu bảo dưỡng (chủ yếu chỉ được người dân trong xã thay ván mặt cầu theo kiểu thủ công), nên nguyên nhân khiến cầu sập được xác định là xây dựng đã lâu, trong khi nhu cầu đi lại, vận chuyển qua cầu vượt quá tải trọng. Gần đây hơn, vào ngày 26-9-2013, một sự cố khác là cầu treo bắc qua suối Krông Kmar (thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) nối khu vực dân cư với vùng đất canh tác bị sập khiến ông Nguyễn Hữu Sơn (trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Krông Kmar) bị thương nặng. Chính quyền địa phương cho biết nguyên nhân dẫn đến sập cầu là do bị tuột dây cáp treo. Sau khi khắc phục, hiện 2 cây cầu này vẫn tiếp tục được sử dụng, và không ai dám chắc sẽ không có sự cố nào sẽ tiếp tục xảy ra (?!)

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải về việc giao nhiệm vụ lập Đề án “Xây dựng cầu treo dân sinh bảo đảm an toàn giao thông” và văn bản số 4476/TCĐBVN-KHĐT, ngày 4-10-2013 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc phối hợp điều tra, khảo sát, thu thập dữ liệu xây dựng cầu dân sinh tại các khu vực có nguy cơ xảy ra  tai nạn cao, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với Công ty Cổ phần ATH Tư vấn và đầu tư xây dựng tiến hành khảo sát, qua đó thống nhất đưa 32 cầu (trong tổng số 318 cầu) vào Đề án nói trên. Cụ thể: huyện Krông Năng 4 cầu, Buôn Đôn 4, Krông Bông 8, Krông Ana 2, Ea Súp 1, Ea H’leo 2, Ea Kar 3, Lak 5 và thị xã Buôn Hồ 3 cầu. Con số này vẫn còn ít so với số lượng cầu treo, cầu tạm hiện đã xuống cấp, hư hỏng cần được duy tu, sửa chữa. Để cầu treo, cầu tạm không còn là ẩn họa, thiết nghĩ các địa phương cần siết chặt quản lý các công trình này; đồng thời cần lắp đặt biển báo tải trọng và hướng dẫn tại hai đầu cầu để người dân tuân thủ quy định khi qua cầu. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn khi lưu thông qua các cây cầu treo, cầu tạm, người dân không nên chở nông sản, hàng hóa vượt quá tải trọng nhằm tránh tai nạn đáng tiếc.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.