Multimedia Đọc Báo in

Hưởng ứng Dự án "Phòng chống và kiểm soát lái xe sử dụng rượu, bia": Góp phần nâng cao nhận thức và hành vi của đội ngũ lái xe

12:13, 07/06/2014

Nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP, ngày 24-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Trung tâm Quốc tế về chính sách chất có cồn (ICAP) đã tài trợ một số tỉnh, thành của Việt Nam (trong đó có Dak Lak) triển khai Dự án “Phòng chống và kiểm soát lái xe sử dụng rượu, bia.

Theo một báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có 3,3 triệu người chết do rượu, bia, nghĩa là cứ mỗi 10 giây thì có một ca tử vong. Bên cạnh gây ra tình trạng nghiện ngập, báo cáo cũng cho biết việc lạm dụng rượu, bia sẽ làm tăng nguy cơ phát triển cho hơn 200 loại bệnh như xơ gan, ung thư. Còn một nghiên cứu khác cũng ghi nhận những lái xe sử dụng rượu, bia khi lái xe thì nguy cơ gây TNGT cao hơn nhiều so với người không sử dụng, cụ thể khi nồng độ cồn trong máu ở mức 100 mg/100 ml thì nguy cơ TNGT  cao gấp 5 lần so với nồng độ cồn trong máu bằng 0; khi nồng độ cồn ở mức 240 mg/100 ml thì nguy cơ TNGT cao gấp 140 lần. Mặt khác, rượu, bia còn là tác nhân làm giảm khả năng phán đoán, phản ứng chậm với các tình huống xảy ra trên đường; không nhạy bén trong quan sát, đảo lộn tầm nhìn; giảm khả năng phối hợp các thao tác; gây buồn ngủ trong khi lái xe của người điều khiển phương tiện…

Dự án “Phòng chống và kiểm soát lái xe sử dụng rượu bia” thuộc Chương trình hành động toàn cầu chống lạm dụng nồng độ cồn tại 18 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, do ICAP tài trợ. Riêng ở Việt Nam, giai đoạn 1 (2011–2012) của Dự án được triển khai tại Dak Lak và Khánh Hòa, giai đoạn 2 (2013–2015), ngoài 2 địa phương trên còn được mở rộng thêm tại TP.Hồ Chí Minh. Theo đó, các hoạt động chính của Dự án bao gồm: tổ chức tập huấn cho cán bộ liên quan của các địa phương về tác hại của rượu, bia; trang bị và hướng dẫn máy đo nồng độ cồn cho lực lượng thanh tra giao thông, đánh giá về hiệu quả của Dự án để nhân rộng mô hình… Mục tiêu chính của Dự án nhằm góp phần cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam, nâng cao nhận thức và hành vi đội ngũ lái xe; qua đó hỗ trợ Bộ GTVT lập đề án nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy trình, thủ tục cũng như các chính sách, quy định của pháp luật về nồng độ cồn.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe.

Tại Dak Lak, giai đoạn 1 của Dự án được triển khai thành công tại Bến xe Phía Nam Buôn Ma Thuột và Bến xe liên tỉnh Dak Lak, và mới đây đơn vị tài trợ tiếp tục chọn 2 bến xe trên địa bàn tỉnh để tổ chức phát động triển khai giai đoạn 2 của Dự án. Sau 2 đợt phát động cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp vận tải và lái xe trên địa bàn tỉnh đều đồng tình hưởng ứng các hoạt động của Dự án. Ông Đỗ Bình Chính, Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, hầu hết các đơn vị vận tải, đặc biệt đội ngũ lái xe trong tỉnh đều ý thức rõ về những tác hại của việc sử dụng rượu, bia trong khi điều khiển phương tiện. Việc duy trì các hoạt động của Dự án không những giúp hành khách yên tâm hơn khi lựa chọn phương tiện xe khách để đi lại mà còn tạo thói quen, nếp sống văn minh của đội ngũ lái xe: “đã lái xe không sử dụng rượu, bia”. Sở GTVT cho biết, trong tháng 3-2014, qua kiểm tra nồng độ cồn đối với 31 tài xế tại Bến xe liên tỉnh Dak Lak, kết quả không có trường hợp nào vi phạm. Từ đó cho thấy, nhận thức của đội ngũ tài xế đã thay đổi, góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế TNGT trên địa bàn tỉnh. Bà Dương Thị Ngọc Trong, Phó giám đốc Bến xe liên tỉnh Dak Lak cho hay, để tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Dự án, bến xe tiếp tục tuyên truyền, vận động, nhắc nhở lái xe thực hiện nghiêm không uống rượu, bia trước và trong khi lái xe để phòng tránh TNGT. Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, việc triển khai các hoạt động của Dự án trên ở tỉnh ta chưa được thường xuyên, liên tục, mới chỉ dừng lại ở phạm vi các bến xe khách lớn, trong khi đó một lượng lớn đội ngũ tài xế taxi, xe hợp đồng, xe du lịch ở các điểm dừng, đỗ xe và các bến xe tuyến huyện đều chưa được kiểm tra. Mặt khác, việc kiểm tra mới chỉ dừng lại ở một thời điểm cụ thể, trước hoặc sau các đợt phát động nên không mang lại hiệu quả như mong đợi.

Bà Nguyễn Lan Hương, Giám đốc ICAP tại Việt Nam khẳng định, việc triển khai thực hiện Dự án tại Việt Nam là rất cần thiết, góp phần cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện Quyết định số 244/QĐ-TTg, ngày 12-4-2014 về chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của việc lạm dụng rượu, bia đến năm 2020. Đồng thời, ICAP cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương về thiết bị tuyên truyền, trang bị máy đo nồng độ cồn cho lực lượng thanh tra giao thông, góp phần giảm thiểu TNGT do rượu, bia gây ra và bảo đảm sự thành công của Dự án.

Theo quy định tại Nghị định số 171/2013/NĐ-CP  ngày 13-11-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Theo đó, mức phạt từ 2-15 triệu đồng và bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng GPLX.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.