Multimedia Đọc Báo in

Đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Vẫn là câu chuyện ý thức!

08:07, 06/07/2014
Thêm một lần nữa câu chuyện về chiếc mũ bảo hiểm (MBH) được “xới” lên khi Nghị định 171 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2014.
 
Theo Nghị định, người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp máy (người điều khiển và người đi cùng) không đội MBH, đội mũ không đúng quy cách hoặc không phải mũ dành cho người đi môtô, xe gắn máy, xe đạp máy bị phạt từ 100.000-200.000 đồng. Cả lực lượng thực thi nhiệm vụ và người tham gia giao thông đều băn khoăn trước quy định này.
 
Về phía ngành công an, việc xử phạt người đội MBH không bảo đảm chất lượng gặp không ít vướng mắc. Đơn cử, Nghị định 171 chỉ quy định xử phạt chứ không hướng dẫn thu lại MBH “dỏm”. Do đó nếu thu mũ dẫn đến chuyện người dân để đầu trần tham gia giao thông, còn nếu như không thu rất có khả năng họ sẽ đội mũ đi tiếp. Bản thân các chiến sĩ công an cũng khó phân biệt được đâu là mũ tốt, đâu là mũ kém chất lượng. Chưa kể, lực lượng công an chỉ có thể kiểm tra mũ MBH không đúng quy chuẩn  thông qua việc xử lý các vi phạm khác như: chở quá số người quy định, đi sai làn đường, vượt đèn đỏ, xe không có kính chiếu hậu, không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường… Về phía người tham gia giao thông cho rằng, giữa thị trường muôn vàn mẫu mã, kiểu dáng mũ thì khó phân biệt đâu là mũ thật, đâu là mũ kém chất lượng, mua loại mũ nhiều tiền chưa chắc đã đạt chuẩn….
Kiểm tra, xử lý hành vi đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng rất khó khăn (Trong ảnh: Công an giao thông huyện Ea H’leo  kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông).
Kiểm tra, xử lý hành vi đội mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng rất khó khăn (Trong ảnh: Công an giao thông huyện Ea H’leo kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông).

Còn nhớ tại thời điểm mới có quy định bắt buộc đội MBH đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Bởi nhiều người cho rằng, chiếc MBH gây phiền toái, bất tiện, song nhờ phương tiện bảo hộ này mà không ít người đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần, giảm thiểu những chấn thương sọ não nguy hiểm. Giờ đây đa số người dân đã chấp hành tốt quy định này, chiếc MBH đã trở thành vật dụng không thể thiếu cho những ai có ý thức khi tham gia giao thông.

Quy định bắt buộc đội MBH khi tham gia giao thông đã đi vào đời sống, thay đổi ý thức và hành động của người tham gia giao thông bởi đem lại sự an toàn cho bản thân, gia đình. Dẫu còn nhiều lúng túng, vướng mắc trong kiểm tra, xử phạt cũng như khi lựa chọn mua một chiếc MBH chất lượng, nhưng quy định này là cần thiết. Xét cho cùng, đội MBH trước hết là bảo vệ chính mình, người thân, do đó người dân cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành nghiêm quy định trên, không nên chỉ để đối phó với với lực lượng cảnh sát giao thông bằng cách đội mũ rẻ tiền, kém chất lượng. Cùng với các biện pháp chế tài, ngành chức năng cũng cần tăng cường quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh MBH không đúng quy chuẩn.

Gia Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.