Multimedia Đọc Báo in

Đăng ký học GPLX hạng A4: trồi sụt thất thường!

09:42, 01/08/2014
Theo quy định của pháp luật, máy cày tay là một loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông và người điều khiển phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4.
 
Từ năm 1996, Bộ GTVT đã có quy định về tổ chức sát hạch cấp GPLX, trong đó bao gồm GPLX hạng A4. Quy định này tiếp tục được Luật hóa tại Điều 54 Luật Giao thông đường bộ năm 2001 và năm 2008. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn nhiều người điều khiển loại xe này chưa có GPLX phù hợp, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn và mất trật tự an toàn giao thông.

Từ đầu tháng 3-2014, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tỉnh đã tiến hành xử phạt những trường hợp điều khiển xe máy cày tay vi phạm theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, mức xử phạt các lỗi liên quan đến phương tiện này rất cao: đối với lỗi không có GPLX hạng A4 là 5 triệu đồng, giao xe cho người không có GPLX điều khiển bị phạt 3 triệu và xe không đăng ký bị phạt 350.000 đồng. Động thái này đã tác động mạnh đến tâm lý của người dân trong việc đăng ký, học thi GPLX hạng A4. Theo báo cáo của Sở GTVT, chỉ tính từ giữa tháng 4 đến hết tháng 5-2014, toàn tỉnh có đến 4.000 trường hợp được cấp biển số, gấp hơn 3 lần so với 15 tháng trước liền kề; 5 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh cấp mới được 1.041 GPLX hạng A4, nhiều hơn cả số giấy phép được cấp mới trong 5 năm gần đây.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở đủ điều kiện để đào tạo GPLX A4 là Trung tâm đào tạo nghề Dak Lak thuộc Trường Trung cấp nghề số 5 - Bộ Quốc phòng và Trung tâm dạy nghề Bảo An (thị xã Buôn Hồ), với lưu lượng 100 học viên/khóa. Tại Trung tâm dạy nghề Bảo An, từ 15-3 đến 15-6-2014 có đến 1.200 hồ sơ đăng ký học GPLX hạng A4, đó là số lượng chưa từng có từ trước tới nay. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến nay, khi việc xử phạt có dấu hiệu “chùng” xuống thì tại trung tâm chỉ có 40 học viên đăng ký, bằng 10% so với cùng khoảng thời gian cao điểm CSGT tiến hành xử phạt!

Mới hay, ý thức của người dân phụ thuộc vào mức độ quyết liệt của lực lượng chức năng chứ không phải xuất phát từ nhận thức về bảo đảm an toàn giao thông. Điều đó cho thấy nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho người dân xung quanh phương tiện máy cày tay còn nhiều việc phải làm.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.