Tăng cường xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn
Thời gian qua, số lượng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến rượu bia trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng. Bởi vậy, việc tăng cường xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn được Công an tỉnh xác định là biện pháp quan trọng nhằm hạn chế tai nạn và thiệt hại do người điều khiển phương tiện sử dụng chất có cồn trước và trong khi lái xe…
Để từng bước nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến lỗi này. Nếu người lái xe sử dụng chất có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện sẽ làm giảm khả năng tập trung, phản xạ, đối phó với các nguy hiểm xảy ra. Đặc biệt rượu, bia tạo cho người điều khiển phương tiện dễ buồn ngủ, nhanh mệt mỏi, không làm chủ tay lái, chạy quá tốc độ giới hạn hoặc không để ý đến các biển báo và đèn tín hiệu giao thông, dẫn đến xảy ra TNGT… Có khi TNGT xảy ra đơn giản chỉ là do người điều khiển phương tiện tự ngã, tông vào các vật bên đường hoặc tông trực diện vào người khác, nhưng hậu quả để lại rất lớn, có thể gãy tay, gãy chân, hôn mê bất tỉnh, chấn thương sọ não. Đại tá Nguyễn Văn Đức, Trưởng phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: trước tình hình người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn diễn ra phổ biến, lực lượng CSGT xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên từ năm 2012 đến nay, đơn vị đã tập trung kiểm tra theo chuyên đề, huy động tối đa phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm liên quan đến nồng độ cồn.
Kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện |
Tại Nghị định 171/2013, ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy sử dụng rượu, bia có thể bị phạt từ 500 nghìn đến 3 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và bị tước quyền xử dụng giấy phép lái xe 1 tháng. Đối với người điều khiển ôtô và các loại tương tự ôtô có thể bị phạt từ 2 đến 15 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng. Mặc dù mức xử phạt rất cao, song ý thức chấp hành quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Theo báo cáo của Phòng CSGT (Công an tỉnh), từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.559 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, riêng tháng 7-2014 đã phát hiện, xử lý 386 trường hợp. Ghi nhận tại Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho thấy, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận trên 20 ca cấp cứu có liên quan đến TNGT. Chỉ tính riêng trong tháng 7-2014, bệnh nhân vào cấp cứu liên quan tới TNGT là 485 trường hợp, trong đó phần lớn: bệnh nhân gặp tai nạn khi trong người đã có hơi men. Thực tế, việc xử lý các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn của lực lượng CSGT gặp rất nhiều khó khăn từ chính những người vi phạm. Nhiều người cố tình lảng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc ngậm nhưng không chịu thổi; thậm chí, một số trường hợp còn có cử chỉ, lời nói xúc phạm, chống đối lực lượng thi hành nhiệm vụ...
Dự báo tình hình trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh những tháng cuối năm vẫn diễn biến phức tạp. Để hạn chế TNGT nói chung, liên quan đến sử dụng rượu, bia nói riêng, ngoài ý thức tự giác của bản thân người cầm lái, các tổ chức, đoàn thể cần tập trung tuyên truyền về tác hại của chất có cồn, từng bước hình thành thói quen đã uống rượu bia thì không lái xe. Đại tá Nguyễn Văn Đức nhấn mạnh: Thời gian tới, cùng với cả nước, lực lượng CSGT toàn tỉnh sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, Phòng CSGT (Công an tỉnh) sẽ tham mưu với Giám đốc xây dựng kế hoạch cụ thể về huy động thêm lực lượng, kể cả cảnh sát hình sự, cảnh sát cơ động cùng phối hợp với CSGT để kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc