Multimedia Đọc Báo in

Kiểm tra ma túy đối với đội ngũ lái xe: Vẫn còn những "lỗ hổng"!

15:31, 13/10/2014

Trong các vụ tai nạn giao thông (TNGT) thảm khốc xảy ra thời gian qua, điều đáng chú ý qua kết quả điều tra có những tài xế dương tính với chất ma túy. Câu chuyện này khiến dư luận không khỏi băn khoăn khi Dak Lak là một trong những địa phương từng được chọn làm thí điểm trong công tác kiểm tra ma túy và các chất kích thích đối với đội ngũ lái xe trong các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách…

Những “con nghiện” sau vô lăng

Người dân cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng hẳn vẫn chưa hết ám ảnh về vụ TNGT thảm khốc xảy ra đêm 17 rạng sáng ngày 18-5-2012 tại cầu Sêrêpôk, Quốc lộ 14 (đoạn đi qua địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) làm 34 người chết và 21 người bị thương. Khi tiến hành điều tra nguyên nhân vụ tai nạn, cơ quan chức năng xác định tài xế Phạm Ngọc Lâm (trú phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, đã chết trong vụ tai nạn) từng có tiền án 7 năm tù về tội buôn bán trái phép chất ma túy. Gần đây nhất, vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra chiều 1-10-2014, tại Km 610, Quốc lộ 14 (đoạn qua thôn 1, xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) cướp đi sinh mạng của 2 người và làm 12 người khác bị thương. Qua kiểm tra nhanh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cơ quan chức năng xác định tài xế Trần Thế Nam (SN 1981, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) điều khiển xe khách 16 chỗ BKS 47B-0.0488 gây tai nạn (đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh) có kết quả dương tính với chất ma túy. Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng tài xế sử dụng ma túy khi đang lái xe.

Hiện trường 1 vụ TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách (Ảnh minh họa).
Hiện trường 1 vụ TNGT liên quan đến xe ô tô vận tải hành khách (Ảnh minh họa).

Sau vụ TNGT thảm khốc trên cầu Sêrêpôk, UBND tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở Giao thông vận tải, Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp và Sở Tài chính về việc “Kiểm tra chất ma túy trong cơ thể đối với người điều khiển xe ô tô vận tải khách và vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh”. Theo đó, qua hai đợt triển khai (từ tháng 11-2012 đến 1-2013), Đoàn đã kiểm tra 196 lái xe và phát hiện 8 lái xe dương tính với ma túy (trong đó, 5 tài xế khai đã sử dụng ma túy và 3 người khác là do sử dụng thuốc Tây có chứa thành phần Moocphin). Những “con nghiện” trên đã bị cơ quan chức năng tước Giấy phép lái xe vô thời hạn. Năm 2014, Dak Lak vẫn tiếp tục triển khai việc khám sức khỏe định kỳ và kiểm tra ma túy, chất kích thích đối với đội ngũ tài xế các đơn vị vận tải. Việc kiểm tra được triển khai trong 2 đợt (đợt 1 từ ngày 10 đến 30-7-2014 và đợt 2 từ ngày 15 đến 25-8-2014). Trong tổng số trên 652 mẫu xét nghiệm ma túy, chất kích thích đối với lái xe tham gia kinh doanh vận tải trong năm 2014 vừa qua thì 100% cho kết quả âm tính với ma túy, chất kích thích. Kết quả này gây nghi ngờ đối với những người có trách nhiệm và khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi bởi sau một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, vẫn có những “con nghiện lọt lưới” và tiếp tục ngồi sau vô lăng…

Bất cập trong khâu kiểm tra

Theo tìm hiểu được biết, mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành được thành lập nhằm kiểm soát đối tượng là lái xe sử dụng ma túy song công tác này chưa có sự thống nhất giữa các đơn vị liên quan nên ngành chức năng của tỉnh không tổ chức test tập trung mà giao cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải “tự lo”, còn cơ quan quản lý nhà nước chỉ kiểm tra đột xuất khi cần. Chính việc làm “nửa vời” này và không có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền nên đối tượng là lái xe có sử dụng chất ma túy dễ dàng qua mặt. Trò chuyện với một số lái xe đường dài, nhiều người trong số đó thẳng thắn: Việc để các doanh nghiệp hay lái xe tự lo giấy khám sức khỏe, test ma túy sẽ là kẽ hở, đặc biệt là những lái xe có tiền sử sử dụng ma túy lợi dụng để “lách luật”. Bằng chứng là họ chỉ cần bỏ ra vài trăm nghìn đồng là có thể mua được một giấy khám sức khỏe đạt chuẩn mà chẳng cần phải khám kỹ. Một lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh thừa nhận, do không có sự giám sát chặt chẽ nên lái xe khi đi xét nghiệm ma túy đã tìm nhiều cách để qua mặt cơ quan chức năng. Chẳng hạn như xin nước tiểu người khác hoặc “thủ” theo ít nước trà giống với nước tiểu để đánh lừa cơ sở y tế. Khi đó, kết quả sẽ sai lệch so với thực tế. Trường hợp của tài xế Trần Thế Nam là một ví dụ điển hình. Theo bà Dương Thị Ngọc Trong, Phó Giám đốc Xí nghiệp Vận tải - Công ty CP Dịch vụ vận tải hành khách công cộng và Quản lý Bến xe liên tỉnh thì khi xin vào làm việc tại đơn vị, tài xế Nam có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra. Kết quả khám sức khỏe  do Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo cấp ngày 8-9-2014, tài xế Nam đủ sức khỏe lái xe, âm tính với ma túy. Tuy nhiên, sau khi tai nạn xảy ra, qua kiểm tra nhanh của ngành Y tế thì mới biết là anh Nam dương tính với ma túy”.

Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ xe của một tài xế xe ô tô
Lực lượng CSGT kiểm tra giấy tờ xe của một tài xế xe ô tô

Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Khó khăn hiện nay là lực lượng chức năng của tỉnh (CSGT, Thanh tra Giao thông) không đủ năng lực chuyên môn về y tế và cũng không có dụng cụ để kiểm tra lấy mẫu đối với hành vi sử dụng chất gây nghiện đối với lái xe. Trên địa bàn tỉnh, hiện nay chỉ có một số đơn vị được cấp phép test: opiate, morphin, codein (định tính, test nhanh) là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh, Phòng khám Đa khoa Hoàn Hảo”. Như vậy, để sớm chấn chỉnh tình trạng này, cần bổ sung những chế tài, điều kiện pháp lý cũng như trang bị kiến thức về y tế cho lực lượng chức năng để tiến hành kiểm tra, giám sát trên đường và quy trách nhiệm với chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Doanh nghiệp vận tải phải có nhiệm vụ kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với đội ngũ lái xe của mình. Nếu có trường hợp lái xe sử dụng ma túy mà gây tai nạn thì doanh nhiệp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật…

Bài học về những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng mà người điều khiển phương tiện có sử dụng ma túy đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Để giải quyết vấn đề này, có lẽ việc ban hành các văn bản là chưa đủ mà cần có sự vào cuộc quyết liệt và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng để tránh những vụ việc đáng tiếc như đã từng xảy ra.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc