Dự án đường Hồ Chí Minh hoàn thành: Thách thức lớn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông
Dự báo trong thời gian tới, nhất là sau khi Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh được khánh thành (khoảng vào trung tuần tháng 7 tới), tình hình trật tự ATGT sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra những khó khăn, thách thức mới trong công tác bảo đảm ATGT đối với cơ quan chức năng.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh qua các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước (từ Tân Cảnh, tỉnh Kon Tum đến thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) có tổng chiều dài 553 km. Quy mô đầu tư toàn tuyến theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng cho 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, ở một số đoạn qua đô thị được mở rộng 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ… Năm 2014 đã hoàn thành 133 km/10 dự án bằng nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015, còn lại 420 km, trong đó 212 km/6 dự án sử dụng vốn TPCP với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ và 208 km/5 dự án đầu tư bằng hình thức BOT, tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng, chủ yếu được khởi công vào năm 2013, đến nay đã hoàn thành, lần lượt được chủ đầu tư và nhà thầu tiến hành làm thủ tục thông xe vào cuối tháng 6 vừa qua. Trong đó, đoạn qua tỉnh Dak Lak dài hơn 70 km về đích trước thời hạn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội, 23 km đoạn qua tỉnh Kon Tum về đích trước 18 tháng. Việc rút ngắn thời gian thi công, đưa dự án về đích sớm hơn so với dự kiến ban đầu đã góp phần tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, đó là tiến bộ rất đáng ghi nhận, là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các Bộ, ngành và các địa phương trong việc huy động tối đa mọi nguồn lực; giải quyết kịp thời các vướng mắc về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và nguồn cung vật liệu phục vụ thi công suốt gần 2 năm qua.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra vào đầu tháng 7 trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua thị xã Buôn Hồ. |
Tuy nhiên, việc đường Hồ Chí Minh được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa của người dân lại kéo theo một thực trạng đáng buồn là số vụ TNGT nghiêm trọng vẫn xảy ra khá nhiều trên tuyến đường này. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân chủ yếu vẫn do ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, phổ biến là tình trạng sử dụng rượu bia, ngủ gật khi điều khiển phương tiện, lái xe chạy quá tốc độ quy định… Tại Hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn Tây Nguyên vào cuối tháng 6-2015, các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua bày tỏ lo ngại về tình trạng xe quá khổ, quá tải, xe hết kiểm định tham gia lưu thông trên tuyến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao; xe công nông, xe tự chế lưu thông; tình trạng ném đá xe khách… Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chỉ tính 3 tháng đầu năm 2015 trên đường Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh Tây Nguyên gồm Dak Nông, Dak Lak, Gia Lai, Kon Tum và tỉnh Bình Phước xảy ra 52 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 88 người. Mặc dù TNGT giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên trên tuyến xảy ra nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, khiến nhiều người tử vong, đơn cử như vụ TNGT trên cầu Ea Khal (huyện Ea H’leo) làm 6 người chết và 1 người bị thương nặng vào cuối tháng 4-2015. Tại Dak Lak, trong khi số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng lên rất nhanh (với hơn 1,1 triệu xe cơ giới các loại) thì ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn thấp. Chỉ tính riêng đoạn qua huyện Cư M’gar, thị xã Buôn Hồ, Krông Buk và Ea H’leo, trong 6 tháng đầu năm 2015, Trạm CSGT Krông Buk đã lập 6.500 trường hợp vi phạm, tạm giữ 1.204 phương tiện các loại, trong đó chủ yếu các lỗi chủ quan của người tham gia giao thông, với 1.444 trường hợp vượt quá tốc độ cho phép, 1.013 trường hợp vi phạm nồng độ cồn… Còn tại tỉnh Dak Nông, trong thời gian qua đang nóng tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, ném đá vào xe khách khi đang lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, gây bức xúc cho dư luận xã hội. Trong khi đó, tại Gia Lai, 6 tháng đầu năm tình hình TNGT tăng cao trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Xác định đây là tuyến đường chính chạy dọc các tỉnh Tây Nguyên nên bên cạnh việc bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án, công tác bảo đảm ATGT luôn được các đơn vị liên quan coi trọng, đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, khi dự án hoàn thành để bảo đảm giao thông thông suốt, êm thuận, đồng thời nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân trên tuyến, Bộ GTVT đã cho phép lập gói thầu tuyên truyền ATGT do Trung ương Đoàn TNCSHCM và Báo GTVT thực hiện nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền ATGT cho người dân vùng dự án, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên. Đây là một sáng kiến mới, chưa có tiền lệ trong quá trình đầu tư xây dựng công trình giao thông. Còn theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia khẳng định, để thực hiện tốt việc kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trên cả nước nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, tăng cường công tác TTKS, xử lý vi phạm cần nhấn mạnh vai trò đặc biệt của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT để nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc