Multimedia Đọc Báo in

Xe tải "băm nát" đường liên thôn

13:31, 18/11/2016

Tình trạng xe tải trọng nặng lưu thông thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua khiến đoạn đường ra bến cát Quỳnh Ngọc, xã Ea Na (huyện Krông Ana) bị băm nát, ảnh hưởng lớn đến đi lại, sinh hoạt của người dân địa phương.

Đường ra bến cát Quỳnh Ngọc dài khoảng 4 km, mặt đường rộng 8 mét, trước đây người dân địa phương đóng góp tiền và tham gia ngày công làm cấp phối. Dọc 2 bên tuyến đường này có hơn 1.000 hộ dân thuộc các thôn Quỳnh Ngọc, Quỳnh Ngọc 1 và Quỳnh Ngọc 2 sinh sống. Phía cuối đường là bến cát nên lưu lượng xe chở cát lưu thông rất lớn.

Trong số xe chở cát, có rất nhiều xe loại từ 10 – 40 tấn hoạt động, gây tiếng ồn, khói bụi và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Khoảng 1 giờ đồng hồ quan sát, ghi nhận tại tuyến đường này cho thấy, hàng loạt xe tải ra vào liên tục, xe nào cũng chở đầy ắp cát, vương vãi đầy mặt đường. Con đường cấp phối giờ bong tróc, lồi lõm, mấp mô ổ gà, ổ voi. Vào thời điểm mùa khô, cát, bụi gần như “phong tỏa” hết đoạn đường và nhà các hộ dân 2 bên. Còn mùa mưa, nước đọng khắp mặt đường, khi xe chạy qua tạt hết bùn vào nhà dân và những người đi đường. Ở một số vị trí như đoạn đầu cổng chào thôn Quỳnh Ngọc, mặt đường bị biến thành những hố sâu hoắm, rất nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông qua đây.

Xe tải lưu thông nhiều tạo thành rãnh sâu, dài một bên mép đường.
Xe tải lưu thông nhiều tạo thành rãnh sâu, dài một bên mép đường.

Chị N.T.N thôn Quỳnh Ngọc 1 phản ánh, xe tải chạy ngày đêm không ngớt, mọi sinh hoạt hằng ngày đều bị ảnh hưởng, đến giấc ngủ cũng chẳng được yên. Cứ đến tầm sáng sớm và chiều tối, lượng xe tải lưu thông qua đây với mật độ dày, có thời điểm nối đuôi nhau, chiếm hết lối đi của người dân. Mỗi lần xe chạy qua, khói, bụi mù mịt, nhà cửa, vật dụng trong gia đình đều bị bụi bám vàng hoe. Còn anh L.X.Q ngụ cùng thôn cũng tỏ ra bức xúc, mỗi lần tham gia giao thông trên đoạn đường này, anh đều cảm thấy bất an. Vào buổi chập choạng tối, có khi có đến 3-4 chiếc loại 30 tấn nối đuôi nhau chở cát nghiêng ngả trên đường, để an toàn chỉ còn cách né sang một bên hoặc chờ xe chạy xa mới tiếp tục đi. Cực nhất vẫn là các cháu học sinh của 3 thôn, hằng ngày phải đi lại nhiều lần trên đoạn đường này, mùa nắng bụi bám đầy áo quần, cặp sách, mùa mưa không ít lần bị nước tạt ướt sũng...

Ông Nguyễn Đức Chơn, Phó chủ tịch UBND xã Ea Na cho biết, hằng năm địa phương đều có kiến nghị với huyện trích một phần phí môi trường thu tại bến cát Quỳnh Ngọc để sửa chữa, duy tu, chống bụi, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông trên đoạn đường này nhưng chưa được phê duyệt. 

Ông Trần Văn Hiển, phó thôn Quỳnh Ngọc 1 cho hay, vào cao điểm mùa khô, để giảm bụi, nhà nào cũng phải bơm nước tưới cho đường. Tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nay, Ban tự quản thôn và người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp cần có giải pháp để hạn chế xe tải trọng lớn lưu thông trên đường nhưng đến nay vẫn chưa có cơ quan nào vào cuộc.

Theo thông tin qua đường dây nóng của Cục Quản lý đường bộ III và báo cáo kết quả kiểm tra, khảo sát của Chi cục Quản lý đường bộ III.5, thời gian gần đây có nhiều xe ôtô tải chở cát từ bãi cát Quỳnh Ngọc lưu thông trên tỉnh lộ 2 theo hướng từ huyện Krông Ana ra đường Hồ Chí Minh. Kết quả 3 ngày theo dõi đã có 32 lượt ôtô tải chở cát có dấu hiệu quá tải trọng lưu thông trên tuyến đường này. Đó mới chỉ là khảo sát vào giờ hành chính, con số thực tế sẽ lớn hơn, bởi các xe chở cát thường hoạt động cao điểm vào các khung giờ từ 4-5 giờ sáng, 12-13 giờ và chiều tối.

Để khắc phục các vị trí hư hỏng, một số doanh nghiệp có phương tiện đã dùng máy gạt đổ đá, xà bần nhưng chỉ được thời gian ngắn, bởi đó chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng xe tải lớn lưu thông trên tuyến đường này để bảo vệ kết cấu hạ tầng, bảo đảm an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.        

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.