Bất cập các điểm dừng, bãi đỗ xe khu vực nội thành
Hiện nay, tại khu vực nội thành Buôn Ma Thuột tồn tại một số điểm dừng, đỗ xe không phù hợp, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông cao.
Theo quan sát tại điểm dừng đón, trả khách của các hãng xe buýt tại đường Lê Hồng Phong, đoạn trước cổng Trường Tiểu học, THCS, THPT Victory, Trường THPT Hồng Đức và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, vào giờ cao điểm có nhiều loại phương tiện cùng lưu thông qua đây, đặc biệt các xe buýt nội và ngoại tỉnh, cùng với hàng nghìn học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên ra, vào các điểm trường tạo nên tình trạng lộn xộn, ùn tắc giao thông cục bộ.
Tương tự, bãi đậu xe buýt thuộc Công ty Cổ phần Vận tải ôtô Đắk Lắk (trên đường Y Ơn) ngay tại khu dân cư đông đúc là không phù hợp. Bởi đơn vị có hơn 100 đầu xe nội tỉnh từ Buôn Ma Thuột đi các huyện Krông Ana, Lắk, Krông Bông và ngoại tỉnh đi huyện Đắk Mil, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Hằng ngày tuyến đường này có hàng trăm lượt xe ra, vào; đây lại là tuyến đường hẹp, điểm đấu nối giữa đường chính với các ngõ có độ dốc lớn nên nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao.
Khu vực đường Lê Hồng Phong nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. |
Cách vị trí bãi đậu xe này không xa, vào cuối tháng 8-2017, điểm giao dịch bán vé của nhà xe Phương Trang (chạy tuyến Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh và ngược lại) “mọc” ngay đầu đường Y Ơn nối với Lê Duẩn. Đáng nói, đây không chỉ là điểm giao dịch bán vé, hằng ngày số lượng phương tiện từ ôtô loại 16 chỗ ngồi đến xe giường nằm đậu đỗ khá nhiều, cũng góp phần vào nguy cơ ùn tắc, mất ATGT cao trong khu vực.
Khoản 5 Điều 3, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định: “Tuyến cố định là tuyến vận tải hành khách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố, được xác định bởi hành trình, bến đi, bến đến phù hợp với quy hoạch mạng lưới tuyến được phê duyệt”; “ Tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh có cự ly từ 300 km trở lên phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 hoặc bến xe loại 5 thuộc địa bàn huyện nghèo theo quy định của Chính phủ”. Tuy nhiên, tình trạng một số nhà xe tận dụng điểm bán vé để thực hiện đón, trả khách tại khu vực nội thành (không phù hợp với Nghị định trên) vẫn diễn ra khá phổ biến, làm mất mỹ quan đô thị, trật tự ATGT, gây bức xúc trong dư luận.
Một xe khách của nhà xe Phương Trang đậu đỗ ngay trước khu vực bán vé tại đường Y Ơn (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo thống kê của Sở GTVT, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 3 bến xe khách được cấp phép hoạt động gồm: Bến xe Liên tỉnh, Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột và Bến xe TP. Buôn Ma Thuột. Theo Quy hoạch GTVT tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, TP. Buôn Ma Thuột có 6 bến xe khách, 2 bến xe buýt, 3 bãi đỗ xe tải và 4 bãi đỗ xe con. |
Để tránh tình trạng các xe liên tỉnh tuyến cố định vòng vo đón, trả khách không đúng nơi quy định, Sở GTVT đã cấp phù hiệu trung chuyển cho 11 xe của 5 đơn vị gồm: HTX vận tải cơ giới Krông Năng, HTX vận tải hàng hóa và hành khách Thành Công, Công ty TNHH Vận tải ôtô Thái Hồng Sơn, Công ty Xe khách Buôn Ma Thuột, Công ty TNHH Vận tải và du lịch Đỗ Quốc Đạt. Theo quy định, các xe này phải gắn phù hiệu “XE TRUNG CHUYỂN” theo mẫu; có sức chứa từ 16 chỗ trở xuống (kể cả tài xế) và thuộc quyền sử dụng hợp pháp của doanh nghiệp, HTX; không phục vụ cho tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh; hoạt động trong phạm vi địa giới hành chính cấp huyện có bến đi và bến đến đã được chấp thuận (không được trung chuyển khách vượt quá địa giới cấp huyện); phải gắn thiết bị giám sát hành trình... Bên cạnh đó, hiện nay Sở đang rà soát các điểm dừng, nhà chờ, lộ trình tuyến xe buýt tại một số điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, qua đó, tham mưu UBND tỉnh phương án phù hợp nhằm bảo đảm trật tự ATGT tại các vị trí nói trên, đặc biệt khu vực nội thành Buôn Ma Thuột.
Thực tế cho thấy, khi đời sống kinh tế càng phát triển, số lượng phương tiện cá nhân càng tăng cao đã phát sinh tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ tại các tuyến đường nội thành. Sự tồn tại quá nhiều điểm dừng, đỗ xe tại khu dân cư đông đúc sẽ không còn phù hợp. Do đó, cần một lộ trình để từng bước di dời các bãi đỗ, bến xe ra khỏi khu vực nội thành được xem là giải pháp giảm áp lực giao thông cho khu vực này, tránh tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và phù hợp với xu hướng phát triển.
Huệ Anh
Ý kiến bạn đọc