Multimedia Đọc Báo in

Việc công nhận đường tự phát vào chợ Duy Hòa có hợp lý?

08:20, 02/01/2020

Chợ Duy Hòa, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) nằm phía bên phải Quốc lộ 14 theo hướng TP. Buôn Ma Thuột đi TP. Hồ Chí Minh. Nhiều năm nay, mặc dù đường vào chợ cách ngã ba Duy Hòa chưa đến 500 m nhưng người dân ở đây đã tự phá dải phân cách cố định của Quốc lộ 14 tạo thành hai lối đi để băng qua đường vào chợ. Hai lối đi tự phát này cách nhau chưa đầy 30 m.

Tuy nhiên, thay vì có biện pháp xử lý thì cơ quan quản lý lại cho vẽ vạch đi bộ qua đường ở hai lối đi tự phát này. Việc vẽ vạch đi bộ qua đường của cơ quan chức năng nhằm xác định phạm vi phần đường dành cho người đi bộ cắt qua đường, đồng nghĩa với việc công nhận hai lối đi tự phát do người dân tự mở và tiếp nối thêm sai phạm. Luật Giao thông đường bộ quy định: Khoảng cách bố trí hai vạch đi bộ qua đường trên cùng một đoạn đường phải cách nhau bằng và lớn hơn 150 m; trong khi đó, hai lối đi này chỉ cách nhau chưa đầy 30m. Mặt khác, theo quy định chiều rộng vạch đi bộ qua đường phải bằng hoặc lớn hơn 3 m nhưng thực tế hai vạch đi bộ tại chợ Duy Hòa chỉ rộng khoảng 2 m.

Lượng lớn người và phương tiện theo vạch người đi bộ qua đường sang chợ Duy Hòa.
Lượng lớn người và phương tiện theo vạch người đi bộ qua đường sang chợ Duy Hòa.

Cũng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, khi gặp vạch đi bộ qua đường tất cả các phương tiện phải giảm tốc độ, hoặc dừng lại để nhường đường cho người đi bộ qua đường. Hai vạch đi bộ qua đường vào chợ Duy Hòa theo luật lẽ ra chỉ dành cho người đi bộ sử dụng song luôn có một lượng lớn người và phương tiện gồm xe máy, xe thô sơ, cả xe kéo 2 - 3 bánh cũng băng qua đường trên lối này… Rõ ràng là một lượng lớn người và phương tiện đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ nhưng không bị tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt?. Hơn nữa, hệ thống biển báo hiệu nguy hiểm hạn chế tốc độ, nguy hiểm đường người đi bộ cắt ngang, nguy hiểm chợ… đèn tín hiệu giao thông tại đoạn đường này cũng thiếu, chỉ thấy biển hiệu lệnh: đường dành cho người đi bộ đặt gần ngã ba Duy Hòa.

Rất nguy hiểm khi người tham gia giao thông cắt ngang đầu xe để qua đường.
Rất nguy hiểm khi người tham gia giao thông cắt ngang đầu xe để qua đường.

Thời gian qua, nhiều vụ tai nạn đã xảy ra ở vị trí này. Theo lời kể của ông Nguyễn Tiến Hạnh, nhân viên bảo vệ Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có trụ sở đối diện cổng chợ Duy Hòa khẳng định: các vụ va quẹt giao thông ở đoạn đường này xảy ra liên tục. Chỉ trong tháng 11-2019 đã có hai vụ tai nạn giao thông xảy ra tại đây.

Cụ thể: Ngày 5-11-2019, xe khách của nhà xe Tân Niên do tránh người đàn ông bất ngờ băng qua đường đã lao vào nhà dân bên đường, dù không xảy ra chết người nhưng cũng khiến 20 hành khách trên xe khách một phen kinh hãi. Hay vào ngày 24-11-2019 xe buýt của Hợp tác xã Quyết Thắng tông vào một xe máy đang băng sang đường vào chợ Duy Hòa khiến hai người trên xe máy bị thương rất nặng…

Ông Đinh Văn Hiền, lái xe ôm thường đứng đón khách trước chợ Duy Hòa nêu ý kiến: “Con đường lớn như thế này trong thiết kế làm gì có trổ hai cái đường vào chợ vô lý như vậy? Theo tôi, cơ quan chức năng cần lắp đèn vàng chớp nháy ở hai chiều đường để cảnh báo các xe giảm bớt tốc độ. Tiếp nữa là xây cao dải phân cách bằng bê tông để hạn chế dứt điểm tình trạng xe máy lợi dụng con đường này băng qua đường, hạn chế tai nạn giao thông”.

Thực tế đã có rất nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra có nguyên nhân từ các con đường dân sinh tự phát, tự mở. Thiết nghĩ, cơ quan quản lý giao thông tỉnh cần sớm có biện pháp khắc phục những bất cập ở đoạn đường trên.

Trương Nhất Vương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.