Multimedia Đọc Báo in

Không sử dụng bia, rượu khi lái xe: Người dân đã có ý thức hơn

09:18, 12/02/2020

Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, quy định cấm người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu, bia đã tác động tích cực đến ý thức của người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông lành mạnh trong nhân dân: “Đã uống rượu bia, không lái xe”.

Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực thi hành, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh đã ra quân triển khai thực hiện, kiên quyết xử phạt đối với các trường hợp người tham gia giao thông vi phạm Luật Giao thông đường bộ; trong đó, đáng lưu ý là hành vi vi phạm nồng độ cồn.

Lực lượng CSGT tỉnh tuyên truyền, giải thích cho người điều khiển phương tiện giao thông cố tình không chấp hành việc đo nồng độ cồn.
Lực lượng CSGT tỉnh tuyên truyền, giải thích cho người điều khiển phương tiện giao thông cố tình không chấp hành việc đo nồng độ cồn.

Qua ghi nhận thực tế, trước đây khi chưa có Nghị định 100, việc uống rượu, bia gần như không có sự kiểm soát. Nhiều cuộc nhậu thường kéo dài lê thê, thậm chí là khích bác nhau hơn thua chỉ một vài chén rượu, cốc bia. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 100 chính thức triển khai thực hiện thì tình trạng nói trên giảm hẳn. Đáng chú ý, hằng năm mỗi dịp Tết đến, Xuân về, rượu, bia được đánh giá là một trong những mặt hàng tiêu thụ mạnh nhất. Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán 2020 mức tiêu thụ mặt hàng này giảm mạnh.

Trung tá Lý Văn Kết, Phó Trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Cục CSGT và Giám đốc Công an tỉnh về triển khai xử lý hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) theo Nghị định 100 của Chính phủ, đơn vị đã chủ động về con người, máy móc thiết bị, đồng thời phối hợp với các lực lượng cảnh sát khác và công an các đơn vị, địa phương để thực hiện nhiệm vụ. Đối với những trường hợp vi phạm, lực lượng CSGT xử lý nghiêm, đúng pháp luật, không có trường hợp ngoại lệ. Cùng với đó, Phòng còn bố trí lực lượng tuyên truyền tại chỗ hoặc tổ chức các đợt tuyên truyền để Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100 ngày càng đi vào đời sống, phát huy hiệu quả thiết thực”.

Trên thực tế, người dân từ thành thị đến nông thôn, ở đâu cũng đều quan tâm đến Nghị định 100, nhất là nội dung xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe. Trong nhiều cuộc liên hoan, gặp mặt đã không còn hoặc giảm hẳn sử dụng đồ uống có cồn. Đặc biệt, Nghị định có hiệu lực ngay trước thềm năm mới - đây được xem là thời điểm người sử dụng rượu, bia nhiều nhất trong năm nên việc cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã nâng cao nhận thức cho người dân, có hiệu quả thực sự trong việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).

Theo số liệu thống kê của Phòng CSGT, Công an tỉnh, trong tháng 1-2020 (tính từ ngày 1 đến 31-1), trên địa bàn tỉnh xảy ra 27 vụ TNGT, làm chết 22 người, bị thương 15 người; so với cùng kỳ năm 2019, giảm 10 vụ, 1 người chết, 9 người bị thương. Riêng trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 23 đến 29-1, tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) trên địa bàn tỉnh xảy ra 9 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm chết 10 người, bị thương 5 người; so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giảm 4 vụ và 4 người bị thương... Đây là kết quả có tác động không nhỏ từ việc xử lý nghiêm tài xế đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe.

Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết sẽ kiên quyết không để việc xử lý nồng độ cồn bị chùng xuống, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”.

Hiện nay đang có dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra khiến người dân lo lắng việc thổi nồng độ cồn có nguy cơ làm lây nhiễm.

Đại diện Phòng CSGT cho rằng, việc lây nhiễm vi rút Corona qua máy đo nồng độ cồn là rất khó bởi theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới, về mặt kỹ thuật, máy đo nồng độ cồn có van 1 chiều nên chỉ thổi vào chứ không hít lại được. Hơn nữa, hiện nay trong quá trình kiểm tra, xử lý, lực lượng CSGT luôn tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông và lực lượng thực thi nhiệm vụ. Trước mỗi ca tuần tra, máy đo nồng độ cồn đều được sát trùng; mỗi người thổi một ống, ngay sau khi kiểm tra trường hợp trước sẽ thay ống mới để kiểm tra trường hợp sau, nên sẽ không còn tồn lưu khí thở của người trước đó, bởi vậy không lo người thổi bị lây nhiễm qua quá trình thổi; mỗi cán bộ, chiến sĩ CSGT khi làm việc, tiếp xúc với dân đều thực hiện việc đeo khẩu trang y tế…

Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt.
Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi lái xe bị lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt.

Mới đây, theo báo cáo của Cục CSGT, Đắk Lắk là tỉnh đứng thứ 2 toàn quốc (sau tỉnh Thanh Hóa) về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Nghị định 100 của Chính phủ.  Thời gian tới, để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 100 đạt được hiệu quả cao hơn nữa, bên cạnh nhiệm vụ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, lực lượng chức năng, trong đó chủ công là lực lượng CSGT sẽ tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT để mỗi người dân tự nâng cao ý thức chấp hành vì sự an toàn của bản thân và cộng đồng. Đối với các trường hợp người tham gia giao thông bỏ chạy, cố tình không chấp hành yêu cầu hay có hành vi chống đối CSGT khi bị kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị xử phạt theo mức cao nhất đối với hành vi này.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc